Tin địa phương

Phá dỡ tường hào không nguyên gốc ở di tích Thành Điện Hải

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng phản hồi các ý kiến lo lắng về việc đơn vị thi công dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải phá dỡ đoạn tường hào không nguyên gốc ở khu vực phía Bắc của thành

Như tin đã đưa, hiện TP Đà Nẵng đang tiến hành giai đoạn 1 dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải. Tuy nhiên thời gian gần đây, trên mạng xã hội có một số bài viết phản ánh và bày tỏ lo lắng trước việc đơn vị thi công tháo dỡ đoạn tường hào ở khu vực phía Bắc của tòa thành.

Đoạn tường hào không nguyên gốc ở phía Bắc di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải...

Giải thích về việc này, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho hay, các tư liệu về lịch sử xây dựng thành Điện Hải cho thấy rõ đây là một di tích lịch sử quan trọng của TP Đà Nẵng, nằm ở tả ngạn sông Hàn, về phía Tây, tại vùng Trẹm thuộc phường Thạch Thang. Thành được xây dựng lần đầu dưới thời vua Gia Long (1813), qua thời Minh Mạng thì được xây lại ở địa điểm còn di tích đến ngày nay.

Ngay từ thời kỳ đầu xây dựng, theo đồ án thiết kế, thành được xây theo kiểu Vauban, có dạng hình vuông với bốn góc lồi hình cong, có tường cao hơn 5m, chu vi 556m, các hào sau hơn 3m và có 2 cổng ở phía nam và phía đông. Thành có hai lớp tường cách nhau bởi con hào và thành ngoài cao hơn thành trong, bốn bức tường tạo nên thành không thẳng mà hơi lõm vào ở giữa làm cho bốn góc thành hơi nhô ra...

Điều này được minh chứng qua rất nhiều tài liệu, thư tịch cổ của triều Nguyễn như: Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam Nhất Thống chí, Đại Nam thực lục chính biên... Và đặc biệt, các sơ đồ, họa đồ về thành Điện Hải còn lưu giữ khá nhiều tại Bảo tàng Đà Nẵng cũng cho thấy rõ điều đó.

đang được phá dỡ...

“Trong dự án này, chúng tôi đặt ra yêu cầu ngoài việc giữ nước cho lòng hào như báo Infonet đã đưa tin, còn có yêu cầu phục dựng lại hình dáng nguyên xưa của tòa thành. Đơn vị tư vấn khảo sát, tư vấn thiết kế đã dày công sưu tầm tư liệu, khảo sát để phục dựng lại hình dáng của tòa thành” – ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói.

Ông cho biết thêm, theo các nguồn tư liệu, ngày 10/11/2004, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt kế hoạch tổng thể tôn tạo di tích Thành Điện Hải và các hạng mục liên quan nhằm phục vụ cho khách tham quan, du lịch. Năm 2004, cơ quan nhà đất đã tiến hành việc giải tỏa khu dân cư lấn chiếm phía Tây thành Điện Hải, các nhà nằm sát tường của thành Điện Hải phải lùi lại từ 15-20m.

Đoạn tường hào này được xây mới bằng gạch thẻ và vữa xi măng chứ không phải bằng gạch vồ truyền thông và vữa vôi

Đáng chú ý, cơ quan Bảo tàng Đà Nẵng đã thực hiện việc xây lại 172,5m tường thành bị sụt lở, nạo vét 1800m3 đất ở các hào bị lấp. Năm 2006 một phần các hạng mục như hào nước, tường thành, cầu, cổng được tu bổ phục hồi... Chính trong khoảng thời gian từ năm 2004-2006, đoạn hào không nguyên gốc ở khu vực phía Bắc thành Điện Hải được xây dựng.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nhấn mạnh: “Qua thực tế khảo sát, đoạn hào không nguyên gốc khu vực phía Bắc được xây bằng gạch thẻ, kích thước gạch 210x50x90, xây bằng vữa xi măng nằm sâu trong lòng hào cũ, cách tường hào cũ khoảng hơn 10m. Đoạn hào này khác biệt so với hào xây gốc bởi chất liệu gạch, kích thước gạch và vữa xây.

Nếu hào gốc xây bằng gạch vồ truyền thống kích thước 290x60x140 và xây bằng vữa vôi, thì phần tường hào xây mới xây bằng gạch thẻ và vữa xi măng. Việc tháo dỡ phần tường hào không nguyên gốc này là nhằm phục dựng lại hình dáng nguyên xưa của tòa thành!”.

Cùng với cung cấp thông tin phản hồi về việc thi công một số hạng mục công trình tu bổ, phục hồi, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 1, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cũng thay mặt lãnh đạo ngành văn hóa TP Đà Nẵng bày tỏ mong muốn các nhà chuyên môn chia sẻ và đồng hành trong việc triển khai dự án quan trọng và nhiều ý nghĩa này.

Tác giả: HẢI CHÂU

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP