Tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó, có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Dự kiến Kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào chiều ngày 27/6. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội với 2 đợt: đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 27/6 và dự phòng ngày 28/6.
Chia sẻ với Người Đưa Tin về những nội dung sẽ cho ý kiến và kỳ vọng về kỳ họp, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ĐBQH đã sẵn sàng tham dự kỳ họp thứ 7.
Theo đại biểu Sửu, đây là kỳ họp cho ý kiến nhiều nội dung nhất so với các kỳ họp trước đó trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
“Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban trong công tác thẩm tra các tờ trình, các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội”, bà Sửu nói và cho biết cử tri và nhân dân đều kỳ vọng mỗi một dự Luật được thông qua đều thực tiễn hóa sớm vào cuộc sống.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu. |
Với khối lượng nội dung nhiều, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trách nhiệm của ĐBQH cũng rất quan trọng. Theo đó, cần nâng cao trách nhiệm của ĐBQH làm sao góp ý "đúng" và "trúng" vào các nội dung kỳ họp một cách tích cực, chất lượng.
Các dự án Luật đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, tại kỳ họp thứ 7 sẽ thông qua như Luật Đường Bộ, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)... đại biểu mong rằng có sự nghiên cứu thật sâu và toàn diện.
“Với các nội dung phong phú, đa dạng tại kỳ họp. Tôi hy vọng sau khi cho ý kiến, thông qua các Luật. Nghị quyết thì các dự án Luật sẽ sớm đi vào cuộc sống, giúp cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững”, nữ đại biểu nhấn mạnh.
ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) đánh giá kỳ họp thứ 7 có rất nhiều nội dung quan trọng xem xét, cho ý kiến. Các nội dung tại kỳ họp đã được xem xét tại các kỳ họp trước, công tác chuẩn bị tài liệu cho kỳ họp có nhiều cố gắng.
Trước khi diễn ra kỳ họp, các Ủy ban của Quốc hội đã chủ động tham gia ý kiến, nhất là dự thảo báo cáo của Chính phủ, các dự án Luật đã được các Ủy ban của Quốc hội tham gia rất trách nhiệm. Nhiều dự án Luật được các Bộ, ban ngành tổ chức các hội thảo, hội nghị đóng góp ý kiến, tiếp thu một cách toàn diện hơn.
ĐBQH Trương Xuân Cừ. |
“Tôi nhận thấy, công tác chuẩn tham gia vào kỳ họp chính thức đã được các Bộ, ban ngành, các Ủy ban của Quốc hội, các ĐBQH chủ động tham gia”, ông Cừ nói và cho biết với các dự án Luật trình Quốc hội lần đầu, các bộ ngành và các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức rất nhiều các cuộc hội thảo, thảo luận để xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, Kỳ họp thứ 7 vẫn tổ chức làm hai đợt họp tập trung, có một thời gian nghỉ giữa hai đợt họp để các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ có thời gian tổng hợp, tiếp thu và giải trình những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội có ý kiến. Đây là sự linh hoạt góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội và Chính phủ đều nỗ lực chuẩn bị từ sớm, từ xa. Mặc dù khối lượng công việc đồ sộ, nhưng với sự chủ động, linh hoạt, từ sớm, từ xa ông Cừ cũng như nhiều ĐBQH đều bày tỏ tin tưởng vào thành công của kỳ họp này.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu, ĐBQH Trương Xuân Cừ cũng kỳ vọng kỳ họp thứ 7 sẽ hoàn thành tốt tất cả các nội dung của kỳ họp với chất lượng cao nhất, đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Từ đó, sẽ tiếp tục tạo ra những dấu ấn mới trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững.
Tác giả: Hoàng Thị Bích
Nguồn tin: nguoiduatin.vn