Pháp luật

Y án 13 năm tù với bị cáo Đinh La Thăng

Chiều nay, cấp phúc thẩm khẳng định tòa sơ thẩm tuyên Đinh La Thăng 13 năm tù là cần thiết, không nặng. Bị cáo không không có tình tiết giảm nhẹ.

Hơn 15h hôm nay (14/5), sau một tuần xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết đối với kháng cáo của Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch PVN) và 12 bị cáo trong vụ án Tham ô và Cố ý làm trái, xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Bị cáo Thăng không có tình tiết giảm nhẹ

Căn cứ kết quả tranh tụng tại tòa, lời khai các bị cáo và người liên quan, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm quy kết Đinh La Thăng lựa chọn PVC làm tổng thầu khi thiếu năng lực kinh nghiệp, không đảm bảo tài chính, trái chỉ đạo Chính phủ là có căn cứ.

Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn cho rằng các bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực biết hợp đồng EPC thiếu cơ sở pháp lý nhưng vẫn chỉ đạo bị cáo Nguyễn Quốc Khánh chuyển đổi chủ thể hợp đồng EPC, tạm ứng tiền để PVC sử dụng tiền trái nguyên tắc, gây thiệt hại là có cơ sở. Tòa không chấp nhận kháng cáo của Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực.

Khi quyết định mức án, tòa sơ thẩm đã xác định đúng vị trí của Đinh La Thăng nên hình phạt 13 năm tù là cần thiết, không nặng. Tại tòa phúc thẩm, bị cáo nhận trách nhiệm người đứng đầu nhưng không thừa nhận hành vi cố ý làm trái. Hành động này là chưa thấy được trách nhiệm cá nhân, người đại diện pháp luật nên không có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Việc gia đình nộp 1 tỷ không đáng kể so với số tiền phải bồi thường nên không được coi là tình tiết xét giảm án.

HĐXX cho rằng với hành vi cố ý làm trái, bị cáo Phùng Đình Thực cần phải chịu án tù giam. Tuy nhiên, thời điểm phạm tội, ông Thực phụ trách nhiều phần việc, chịu chỉ đạo quyết liệt từ bị cáo Đinh La Thăng. Ngoài ra, PVN, liên doanh Viesopetro cũng đề nghị giảm nhẹ hình phạt, bị cáo cũng nộp 1 tỷ khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích cống hiến cho ngành dầu khí, gia đình có công với cách mạng, mắc nhiều bệnh nên có cơ sở giảm một phần hình phạt.

Tòa phúc thẩm nhận định có căn cứ xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho Lê Đình Mậu, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Ngọc Quý. HĐXX thấy không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt, giảm thời gian thử thách cho các bị cáo còn lại. Kháng cáo về phần trách nhiệm bồi thường dân sự của Đinh La Thăng và một số bị cáo cũng không được tòa chấp thuận.

Về tội Tham ô tài sản, thẩm phấn Nguyễn Văn Sơn nói cần giữ nguyên hình phạt chính, hình phạt bổ sung đối với các bị cáo để tăng sức răn đe.

Đại diện VKSND Cấp cao đọc bản luận tội. Ảnh: T.X.

Những diễn biến bất ngờ

Trước đó, từ 7/5, tòa phúc thẩm đưa Đinh La Thăng và 14 bị cáo có kháng cáo ra xét xử. Tuy nhiên, ngay phần thủ tục, thư ký tòa tuyên bố Trịnh Xuân Thanh đã rút đơn kháng cáo 5 ngày trước. Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn cho biết ông Thanh rút kháng cáo vì lý do sức khỏe.

Hồi tháng 1, TAND Hà Nội tuyên Trịnh Xuân Thanh án chung thân với 2 tội Cố ý làm trái và Tham ô. Trong đơn kháng cáo, nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) kêu oan cả 2 tội.

Tại phiên phúc thẩm, ông Trịnh Hùng Cường (con trai Trịnh Xuân Thanh) cũng tuyên bố rút đơn kháng cáo xin đòi lại biệt thự và ôtô.

Theo đại diện VKSND Cấp cao, những ngày xét xử, hầu hết bị cáo đều nhận tội. Riêng Vũ Đức Thuận (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) thừa nhận phạm 2 tội Cố ý làm trái và Tham ô như bản án sơ thẩm quy buộc. 12 bị cáo đều mong muốn cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt và hạ mức bồi thường dân sự.

Riêng 2 bị cáo Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực thừa nhận họ phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, không phải tội Cố ý làm trái như kết luận sơ thẩm.

Trương Quốc Dũng, nguyên Phó TGĐ PVC khi nói lời sau cùng bất ngờ rút kháng cáo về trách nhiệm dân sự. Trước đó, TAND Hà Nội tuyên bị cáo này 17 tháng tù, buộc bồi thường hơn 2 tỷ đồng. Đến thời điểm diễn ra phiên phúc thẩm, người này đã chấp hành xong bản án.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TTXVN.

Đinh La Thăng xin đổi tội danh

Chiều 11/5, được nói lời sau cùng, ông Đinh La Thăng đề nghị HĐXX xem xét thay đổi hành vi từ Cố ý làm trái, sang Thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tại tòa, nguyên Chủ tịch PVN thừa nhận bản thân đã thiếu kiểm tra, đôn đốc để cấp dưới làm trái quy định, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.

Phùng Đình Thực cũng mong muốn tòa phúc thẩm xem xét về tội Cố ý làm trái. Nguyên Tổng giám đốc PVN nói ông xin nhận hành vi thiếu trách nhiệm, mong khắc phục hậu quả để không bị bản án cách ly với xã hội.

Cũng nói lời sau cùng, 11 bị cáo còn lại nói xin HĐXX xem xét toàn diện lời khai mới tại phiên tòa phúc thẩm, xem xét quan điểm bào chữa của các luật sư và những tình tiết giảm nhẹ để đưa ra bản án nhân văn.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2010, PVC gặp khó khăn tài chính. Năm 2011 PVC mất cân đối đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Biết rõ thực trạng đơn vị này chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu nhưng Đinh La Thăng vẫn giao PVC theo hình thức chỉ định thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Ngoài ra, dù hồ sơ thiếu cơ sở pháp lý, Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng EPC số 33, cấp tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng cho PVC. Từ đây, Thanh và đồng phạm "rút ruột" tham ô, gây thất thoát cho Nhà nước trên 119 tỷ đồng.

Các bị cáo còn lại nguyên là lãnh đạo PVN, PVC và Ban quản lý dự án nhiệt điện đều có vai trò giúp sức, thực hiện trái quy định pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tác giả: Hoàng Lam - Bá Chiêm

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: Y án , Bị cáo Đinh La Thăng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP