Kinh tế

Thịt lợn nhập khẩu sẽ làm “dịu” thị trường

Hiện đã có thêm 50 doanh nghiệp (DN) nước ngoài sẵn sàng hợp tác với DN trong nước để cung cấp thịt lợn theo nhu cầu của Việt Nam. Thông tin này được cho là sẽ khiến giá thịt lợn trong nước tiếp tục “hạ nhiệt” trong cao điểm chuẩn bị Tết Nguyên đán.

Thịt lợn nhập về Việt Nam chủ yếu từ châu Âu

Doanh nghiệp ngoại sẵn sàng cấp hàng

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Cục Xuất nhập khẩu (XNK) của Bộ đã có văn bản chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động làm việc, trao đổi với Hiệp hội cũng như các DN xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.

Theo đó, hệ thống Thương vụ tại các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ... đã tích cực triển khai hoạt động kết nối giao thương. Tính đến nay đã có khoảng trên 50 DN nước ngoài có nhu cầu mở rộng thêm đối tác nhập khẩu thịt lợn từ phía Việt Nam, ngoài các đối tác đã có quan hệ kinh doanh từ trước đó.

Cũng theo thông tin từ các Thương vụ, do bệnh dịch tả lợn châu Phi, bản thân một số nước chăn nuôi chính trên thế giới cũng đang bị sụt giảm nguồn cung ra thị trường toàn cầu. Dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2020 sẽ có xu hướng giảm 10% do bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi ở các nước, trong đó Trung Quốc giảm 25%, Philippines giảm 16%, Việt Nam giảm 6%.

Giải pháp nhập khẩu thịt lợn đã được các cơ quan chức năng tính đến từ thời điểm xuất hiện thông tin có nguy cơ thiếu vài trăm ngàn tấn thịt lợn trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo thông tin của Cục XNK, từ giữa tháng 11/2019 cho đến nay, giá nhập khẩu bình quân đã có xu hướng tăng so với thời điểm các tháng trước do nhu cầu nhập mặt hàng này ngày càng tăng mạnh.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn thay đổi cũng khiến giá cả các loại thịt tăng theo. Đại diện Cục XNK cho biết, trước đây, nhu cầu nhập khẩu thường là các loại sản phẩm như móng giò, tim, cật, tai, đuôi, xương thì hiện nay, vào thời điểm chuẩn bị cho thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam lại chủ yếu tập trung nhập khẩu thịt cắt mảnh tươi, ướp lạnh, đông lạnh các loại như nạc thăn, vai, mông, sườn, ba chỉ..., khiến cho giá bán của các loại thịt này tại một số nước thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ cũng tăng theo.

Giá thịt lợn sẽ ổn định

Tuy nhiên, đại diện Cục XNK khẳng định, dù giá thịt lợn nhập khẩu đang có xu hướng tăng, nhưng giá về đến Việt Nam chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều so với giá thịt lợn đang bán trong nước. Đại diện Cục này cũng hy vọng, với việc đã có thêm hơn 50 DN xuất khẩu thịt lợn sẵn sàng hợp tác với DN Việt Nam để thực hiện hoạt động XNK mặt hàng này thì giá thịt lợn trong nước sẽ ổn định trở lại trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.

Được biết, để đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, ngoài việc triển khai các biện pháp đã được Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, Cục XNK khuyến cáo và đề nghị các hộ nông dân, DN kinh doanh trong nước cần thận trọng theo dõi sát tình hình diễn biến chăn nuôi, nhập khẩu từ các bộ, ngành để có kế hoạch phù hợp, tránh vì lý do khan hiếm nguồn cung, giá cả tăng cao mà ồ ạt tái đàn, vượt khả năng kiểm soát.

Phía Bộ Công Thương cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan chủ trì về công tác sản xuất, chăn nuôi - chỉ đạo các cơ quan ngành dọc theo dõi sát, kiểm soát việc tổ chức tái đàn an toàn, bảo đảm chất lượng mặt hàng thịt lợn, tạo điều kiện cho các sản phẩm lợn thịt, thịt lợn an toàn lưu thông qua các địa phương để bảo đảm nguồn cung hàng cho các vùng, miền nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường.

Thông tin mới nhất cho thấy, trong tháng 12/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương đã được kiểm soát, một số địa phương đã công bố hết dịch, nhiều hộ chăn nuôi đã tái đàn. Tuy nhiên, tốc độ còn chậm do tâm lý của nhiều hộ chăn nuôi vẫn e ngại nguy cơ tái phát dịch bệnh.

Hơn 1.000 USD/tấn thịt lợn nhập khẩu dịp cuối năm

“Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này trong 11 tháng năm 2019 là 1.117 USD/tấn, tương đương 25.950-26.000 đồng/kg. Thịt lợn nhập khẩu khi đưa ra thị trường phải chịu nhiều mức thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng 5%, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh...) nên bán ra phổ biến 33.000-35.000 đồng/kg. Hiện, có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thịt lợn từ các nước, các doanh nghiệp nước ngoài”.

Tác giả: Nhật Thu

Nguồn tin: Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP