Nên bổ sung không để kéo dài quá lâu
Mới đây, Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng - Nguyễn Thanh Quang cho biết, tại TP Đà Nẵng có nhiều sự chậm trễ, kiện toàn bộ máy tổ chức như không có Chủ tịch HĐND TP, thiếu 1 Phó chủ tịch HĐND TP và 1 Phó chủ tịch UBND TP.
Trong một diễn biến liên quan, cách đây không lâu, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay QH khóa XIV có 496 đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhưng sau khi có 9 ĐBQH cho thôi, bãi nhiệm, mất quyền, QH khóa XIV còn 487 ĐBQH.
Trước thực trạng trên, ông Hà Minh Sơn - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nguyên Trợ lý Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết: "Bây giờ dù làm gì vẫn phải theo Luật, với những trường hợp thiếu lãnh đạo thì giao quyền điều hành cho người khác phụ trách, còn thời gian dài thì nên bổ sung.
Bởi vì tất cả các chức danh này đều nằm trong những tính toán khoa học trong bộ máy lãnh đạo, việc thiếu khuyết dài là điều không nên, quyền lợi người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Đà Nẵng vẫn thiếu 3 vị trí lãnh đạo chủ chốt |
Còn về phía ĐBQH đến thời điểm này thiếu nhưng để bầu bổ sung 1-2 ĐBQH ở một địa phương thì phải cân nhắc, vì theo Luật quy định Quốc hội không được quá 500 ĐBQH, chứ không quy định nhất định phải có 500 đại biểu.
Nhưng đoàn nào chỉ có 5-7 đại biểu mà thiếu đến 2-3 người thì cũng nên cân nhắc, xem xét, có thể điều chuyển một số ĐBQH nơi khác về để đủ người đại diện cho tiếng nói của người dân. Còn với các đoàn có đến 10-15 ĐBQH như Hà Nội thì không quá lo lắng".
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Ba - nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội cho rằng, việc này là do những sự cố không lường trước được dẫn đến hụt hẫng nhân sự.
Nói đến việc thiếu cán bộ lãnh đạo như ở Đà Nẵng là rất phi lý, mấy năm vừa qua đều có quy hoạch, thiếu người ở vị trí nào thì cứ xem xét lần lượt rồi bổ nhiệm. Nếu làm quy hoạch đúng công tâm khách quan thì một người có vấn đề thì có thể có người khác thay thế, không dẫn tới việc hụt hẫng như vậy.
Còn ĐBQH thiếu thì đành phải chịu, vì khi đưa người ứng cử ĐBQH thì không xem xét kỹ về tư cách cũng như các sai phạm, như bà Phan Thị Mỹ Thanh - ĐBQH tỉnh Đồng Nai vừa bị miễn nhiệm, những sai phạm của bà không phải bây giờ mới xảy ra, mà các sai phạm hình thành từ lúc còn chưa làm ĐBQH.
"Từ việc xem xét đánh giá một con người không theo tiêu chuẩn khách quan, vô tư, cứ con ông này bà nọ, cố tình đưa mới dẫn tới thực trạng này, đó là điều đáng buồn, cho địa phương.
Điều đáng mừng là Trung ương dám thẳng thắn chỉ ra, cho miễn nhiệm những người không xứng đáng, nhưng mong muốn của người dân còn là sai phạm thì nên bãi nhiệm", bà Ba nhấn mạnh.
Những cách khắc phục hiệu quả
Về cách khắc phục, riêng với Đà Nẵng, bà Thu Ba cho biết có 2 cách: "Thứ nhất, xem lại những người được quy hoạch cho các vị trí đó, có ai xứng đáng chưa, nếu không cho tổ chức thi tuyển để mở rộng đối tượng, cách này nhiều nơi đang làm, thi tuyển, bổ nhiệm các chức danh có người thay thế.
Thứ hai, từ chính nhân lực trong bộ máy tìm kiếm đề bạt những cán bộ đủ năng lực, phù hợp. Có thể chọn từ tỉnh khác về miễn là tuyển dụng đúng chức vụ, năng lực.
Còn với việc thiếu ĐBQH thì phải chấp nhận, chờ đến nhiệm kỳ sau, còn đưa ra tổ chức bầu lấy 9 ĐBQH rất tốn tiền của dân mà không hiệu quả, vì chỉ còn 2,5 năm nữa hết nhiệm kỳ. Nếu ĐBQH không hoạt động gì chỉ vào cho có chỗ thì thà không bầu còn hơn là không làm gì".
Trong khi đó, theo ông Hà Minh Sơn thì Đà Nẵng thì nên sớm kiện toàn bổ sung cho đầy đủ các chức danh để làm việc, nhưng nếu kiện toàn được thì vẫn phải làm theo Luật, phải có nhân sự, con người, thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm.
Các cơ quan có thẩm quyền phải giới thiệu người, đó là quy trình công tác cán bộ, theo phân cấp quản lý cán bộ. Phó Chủ tịch UBND TP, CHủ tịch HĐND hay Phó Chủ tịch HĐND đều phải do HĐND bầu.
3 bài học cần rút kinh nghiệm
Về trách nhiệm, theo Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, có 2 dạng: ĐBQH do địa phương giới thiệu thì trách nhiệm thuộc về địa phương, ĐBQH do các cơ quan trung ương giới thiệu thì trung ương chịu trách nhiệm.
Số ĐBQH bị bãi nhiệm vừa qua như ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyễn Xuân Thanh, bà Phan Thị Mỹ Thanh đều do địa phương bầu ra.
Về phía mình, bà Lê Thị Thu Ba cũng đưa ra bài học, đầu tiên, là phải tính lại khâu quy hoạch cán bộ, xem lại quy hoạch đã công tâm, khách quan hay chưa, rà soát lại con người đó có xứng đáng hay không? hay lại con ông này bà kia, có tiền, có quan hệ mà được đưa vào quy hoạch, nếu như vậy thì nên làm lại quy hoạch cho công tâm, khách quan.
Sau đó, trường hợp khác là mặc dù có trong quy hoạch nhưng chuẩn bị nhân sự đưa ra để bầu phải phát huy vai trò hơn nữa, cấp ủy đánh giá cho chính xác, phát huy vai trò giám sát con người đó có thực sự xác đáng. Thậm chí có đồng chí A mến đồng chí B nên gật đầu đồng ý một cách mù quáng, dẫn tới xảy ra các trường hợp đáng tiếc như vừa qua.
Cuối cùng, người dân khi đi bầu nên hiểu rõ người mình bỏ phiếu, đừng gạch cho xong, vì đó là quyền lợi của mình, khi bầu một người không xứng đáng thì đến khi có việc cần thì họ cũng không có trách nhiệm.
Tác giả: Châu An
Nguồn tin: Báo Đất việt