Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa có tờ trình gửi Thường trực Thành ủy về việc ban hành quy định về thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công.
Công chức Đà Nẵng trong giờ làm việc. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Đối với người được cử đi đào tạo theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922), thành phố sẽ bổ sung phần chi phí hỗ trợ khác không được quy định tại đề án, nhằm khuyến khích học viên phấn đấu học tập, tìm học bổng và tiết kiệm kinh phí cho thành phố.
Để tạo tính cam kết trong việc thực hiện hợp đồng, bù đắp chi phí thành phố đã đầu tư, dự thảo quy định nội dung phạt vi phạm hợp đồng. Các bên tham gia ký hợp đồng có quyền thỏa thuận phạt với mức không dưới 10% khoản kinh phí bồi hoàn. Khoản phạt này được thu hồi cùng với kinh phí bồi hoàn.
Trả lời VnExpress chiều 25/5, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, cho biết khi đưa ra dự thảo thành phố đã dựa theo Bộ luật dân sự. "Mức phạt tối thiểu 10% với những người vi phạm hợp đồng là phù hợp và đủ khả năng cho học viên chi trả. Đây là phần lãi suất, chi phí quản lý đề án và trượt giá đồng tiền", ông Chiến giải thích.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, trước đây những học viên ra khỏi đề án do không đạt yêu cầu đào tạo, chỉ phải bồi hoàn 50% chi phí. Thành phố coi như đây là chi phí rủi ro của đề án. Còn những người vi phạm hợp đồng phải bồi hoàn gấp 500% số tiền đã nhận. Tuy nhiên, khi nghị định của Chính phủ ra đời, học viên chỉ phải đền một lần tiền, không tính lãi suất ngân hàng.
Một học viên đang làm việc cho thành phố và có ý định nghỉ việc, cho biết mức phạt hợp đồng thành phố dự kiến là không hợp lý, thiếu cơ sở pháp lý. Vì theo Nghị định 143 và Nghị định 101 quy định rõ việc bồi hoàn chi phí cho ngân sách không tính lãi suất.
"Phạt 10% vi phạm hợp đồng hoàn đoàn là quan điểm của thành phố và ép học viên phải thỏa thuận", học viên này nói.
Theo Sở Nội vụ, đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bắt đầu triển khai từ năm 2004. Trước năm 2013, chỉ 29 người ra khỏi đề án (cả vi phạm hợp đồng và nghỉ việc). Tuy nhiên, sau này số lượng nhiều hơn, đến nay là 93. Những trường hợp bị kiện ra tòa, thành phố đã thu hồi được 89 tỷ đồng.
Mức đầu tư cho mỗi học viên Đề án 922 phụ thuộc vào nơi đào tạo (trong nước hay nước ngoài), trung bình mỗi người khoảng một tỷ đồng.
Con trai cựu Chủ tịch Đà Nẵng đi học bằng tiền ngân sách là "điều khoản mềm" Liên quan đến việc ông Trần Văn Mẫn (con trai ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) được cử đi nước ngoài học thạc sĩ trái với quy định, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng - cho biết trong Đề án có một điều khoản mềm "trừ những trường hợp khác do Thường trực Thành ủy quyết định". Thường trực Thành ủy, mà trực tiếp là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, ở thời điểm đó đã quyết định học viên Mẫn được tham gia đề án. "Thời đó ngành xây dựng được Thành ủy và UBND thành phố đặc biệt cần để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, cho nên quyết định cuối cùng là của Thường trực Thành ủy", ông Chiến nói. Ông Trần Văn Mẫn là học viên đề án nhưng chỉ tốt nghiệp đại học loại khá, không đủ tiêu chuẩn đi học thạc sĩ nước ngoài bằng tiền ngân sách nhà nước. Thời điểm ông Mẫn được cử đi, ông Trần Văn Minh là Chủ tịch Đà Nẵng. Mới đây, ông Trần Văn Minh bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam do liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ.
|
Tác giả: Nguyễn Đông
Nguồn tin: Báo VnExpress