Trong nước

Xã hội sẽ tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp gây tổn hại sức khoẻ cộng đồng

Theo ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thực tế cho thấy xã hội sẵn sàng tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp nào có những hành vi, động thái gây tổn hải đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng môi trường.

Buổi toạ đàm diễn ra ngày 19/4

Tại buổi toạ đàm “Tổ chức công đoàn, doanh nghiệp đồng hành trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường” do Báo Lao Động phối hợp cùng Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hôm qua (19/4), ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục môi trường - cho biết, 5 tháng qua đường dây nóng của Bộ này đã tiếp nhận 516 phản ánh về các vụ ô nhiễm môi trường từ người dân. Trong số 516 vụ việc được phản ánh có 251 vụ việc được phản ánh gây ô nhiễm môi trường (48,64%) do các doanh nghiệp gây nên.

Đối với những doanh nghiệp thực hiện chưa tốt vấn đề bảo vệ môi trường, nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, tùy mức độ, có thể bị xử lý hình sự.

“Về phía cơ quan quản lý, hiện chúng tôi có chính sách khen thưởng vinh doanh các doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, Chính phủ cũng có nhiều chính sách vinh danh đối với doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong vấn đề này. Thực tế cho thấy, xã hội sẵn sàng tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp nào có những hành vi, động thái gây tổn hải đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng môi trường”- ông Đồng cho hay.

Để tăng cường sự giám sát của cộng đồng và đoàn viên công đoàn, vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường đã kí chương trình phối hợp để tăng cường vai trò của các thành viên công đoàn trong giám sát, thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp địa phương.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng.

“Dự kiến năm tới chúng tôi sẽ trình xin phép sửa Luật Bảo vệ môi trường để làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức trong xã hội theo hướng tăng cường hơn nữa sự tham gia của cộng đồng, tổ chức xã hội. Hiện nay vẫn còn tư tưởng những gì thiên nhiên ban tặng là trời cho, nước là cái gì đó không có giá trị nên nhiều người mặc nhiên không có trách nhiệm gì. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý và tổ chức chính trị xã hội, trách nhiệm mỗi cá nhân trong cộng đồng”- ông Đồng nói.

Ông Đỗ Trần Hải -Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhấn mạnh, tôn vinh đội ngũ công nhân lao động, tổ chức công đoàn các cấp là một hoạt động cần thiết và đã được ghi rõ trong chương trình phối hợp giữa Bộ Tài nguyên- Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Năm 2018, hai cơ quan này sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn và xét tặng Giải thưởng “Công nhân lao động vì môi trường” toàn quốc, dự kiến tổ chức vào tháng 9/2018. Hoạt động này sẽ được duy trì hàng năm, nhằm tôn vinh những đóng góp, cống hiến của đội ngũ công nhân lao động, tổ chức công đoàn các cấp trong các hoạt động giám sát, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Ngoài ra, các Sở Tài nguyên và Môi trường, các Liên đoàn lao động địa phương sẽ phối hợp tổ chức xét tặng, tôn vinh những công nhân lao động, tổ chức công đoàn các cấp có thành tích xuất sắc trong các hoạt động giám sát, bảo vệ tài nguyên và môi trường tại các địa phương.

“Hy vọng, hoạt động này sẽ tạo ra được một phong trào rộng khắp, khuyến khích công nhân lao động, tổ chức công đoàn các cấp hăng hái, nhiệt tình tham gia các hoạt động giám sát, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên”- ông Hải kỳ vọng.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP