|
Năm học này Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định mức thu học phí kỳ 1, năm học 2022 - 2023 bằng với mức thu của năm học 2021- 2022, tạm lùi thời gian tăng như thông báo trước đó.
Cụ thể, Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng mức thu học phí được giữ nguyên như năm học trước, với các chương trình đào tạo chuẩn khoảng 17 - 25 triệu đồng, tuỳ vào số lượng tín chỉ sinh viên đăng ký. Học phí các chương trình tiên tiến bằng 1,3 - 1,5 lần chương trình chuẩn cùng ngành; các chương trình đào tạo quốc tế học phí từ 25 - 30 triệu đồng/học kỳ, tùy theo từng chương trình.
Nguyên nhân chưa tăng học phí được Đại học Bách khoa Hà Nội nêu là do còn đợi quyết định của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về việc điều chỉnh tạm thời chưa tăng học phí năm học 2022 - 2023 theo Nghị định 81. Sau khi có quyết định này, trường sẽ tính toán đúng học phí phải nộp của từng sinh viên vào đợt 2.
Trước đó vào 28/6, Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo mức học phí năm học 2022 - 2023 với khoá nhập học năm 2022 với các chương trình chuẩn là từ 24 đến 30 triệu đồng/năm học, tùy theo từng ngành. Các chương trình ELITECH từ 35 - 40 triệu đồng/năm học. Riêng các chương trình khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10), logistics và quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14) có học phí khoảng 60 triệu đồng/năm học.
Đặc biệt, chương trình song bằng tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế (FL2) là 42 - 45 triệu đồng/năm học (gồm phí ghi danh); các chương trình đào tạo quốc tế là từ 25 - 30 triệu đồng/học kỳ (riêng chương trình TROY-BA và TROY-IT một năm học có 3 học kỳ).
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại một trường đại học. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết. |
Cách đây không lâu, PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Tp.HCM thông báo tạm ngừng kế hoạch tăng học phí năm học 2022-2023. Quyết định này nhằm chia sẻ khó khăn với người học sau 2 năm dịch Covid-19.
Trường đại học này có thông báo về việc áp dụng mức thu học phí mới cho năm học 2022-2023 đối với sinh viên theo học tại trường. Tuy nhiên, trong thông báo vừa ban hành, trường đại học quyết định tạm ngừng thực hiện kế hoạch tăng học phí.
Quyết định này được đưa ra sau khi tìm hiểu mức thu nhập bình quân của gia đình sinh viên có sự sụt giảm so với trước đây sau 2 năm đại dịch Covid-19. Đồng thời, việc tạm dừng tăng học phí nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kết luận tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học tổ chức ngày 12/9.
"Việc đồng hành, sẻ chia với gia đình phụ huynh và sinh viên bằng cách chủ động tạm dừng quyết định tăng học phí với sinh viên đang theo học, trường thống nhất mức học phí năm học tới được giữ nguyên như năm học 2021-2022", thông báo của trường nêu rõ.
Học phí cụ thể Trường Đại học Giao thông vận tải Tp.HCM với chương trình đào tạo đại trà 354.000 đồng/tín chỉ và chương trình chất lượng cao 770.000 đồng/tín chỉ. Những sinh viên đã đóng học phí theo mức học phí mới, trường sẽ trừ phần chênh lệch vào đợt học phí ở học kỳ tiếp theo.
Tương tự, năm học mới này Đại học Đà Lạt cũng tạm thời chưa tăng học phí năm nay. Hiện học phí của Đại học Đà Lạt phụ thuộc vào số tín chỉ sinh viên đăng ký trong học kỳ, trung bình khoảng 6 triệu đồng/học kỳ.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nha Trang, cũng cho biết trường đại học này dự kiến sẽ điều chỉnh lại khung học phí giữ ổn định mức năm học 2021-2022 cho năm học tới, thay vì áp dụng khung học phí mới năm học 2022-2023 theo Nghị định 81.
Trong Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học, bàn phương hướng nhiệm vụ năm học mới khối giáo dục đại học diễn ra chiều 12/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khuyến nghị các trường đại học công lập chuẩn bị tinh thần thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc không tăng học phí năm nay. Theo đó, Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ ban hành nghị quyết điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định 81 theo chủ trương cơ bản không tăng học phí, giữ nguyên mức của năm 2021. Phương án này được nêu ra để phù hợp với điều kiện đất nước vừa trải qua 2 năm dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Không phải chỉ trong hội nghị trên, trước đó tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từng có kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết với học phí của năm học tới. Trong đó, Bộ kiến nghị lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 với giáo dục đại học công lập thêm một năm.
Như vậy, dù nghị quyết điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định 81 theo chủ trương cơ bản không tăng học phí của Chính phủ chưa được ban hành nhưng đã có những trường đại học đầu tiên chủ động không tăng học phí cho năm học mới
Theo quy định, năm học 2022 - 2023 các trường đại học thu học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo nghị định này, học phí đại học công lập sẽ tăng với tất cả các loại hình trường khác nhau. Trong đó, trường công lập chưa tự chủ dao động từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học 10 tháng. Các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên được thu 24 - 49 triệu đồng/năm, trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thu 30 - hơn 61 triệu đồng/năm. |
Tác giả: Trúc Chi
Nguồn tin: nguoiduatin.vn