Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Kỳ họp. |
Phát biểu tại Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã biểu dương những cố gắng, nỗ lực mà Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân Thủ đô đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Tán thành với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu đã nêu trong Báo cáo của UBND TP, Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP Hà Nội trong thời gian tới cần tập trung quan tâm thực hiện tốt một số nội dung, trong đó cần tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với nhiệm vụ siết chặt kỷ cương trong quản lý đô thị, Hà Nội cần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính. Hà Nội cũng cần thực hiện các giải pháp cải thiện xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, tập trung vào 3 chỉ số yếu kém: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân.
Tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, tập trung vào 05 chỉ số: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất ddai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, môi trường cạnh tranh bình đẳng và tính năng động, tiên phong của chính quyền TP.
Chiều 3/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội năm học 2071- 2018 với tỷ lệ đại biểu tán thành 90,38%.
Theo Nghị quyết đã được HĐND TP, trong năm học 2017-2018, mức thu học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập sẽ được điều chỉnh tăng như sau: Ở vùng thành thị, mức thu học phí năm học 2017-2018 là 110.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 30.000 đồng so với năm học trước); ở vùng nông thôn, mức thu là 55.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 15.000 đồng so với năm học trước) và ở vùng miền núi, mức thu là 14.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 4.000 đồng so với năm học trước).
Theo mức thu mới, tổng số thu học phí dự kiến đạt 635,339 tỷ đồng, tăng 178,209 tỷ đồng so với năm học trước, trong đó: Khu vực thành thị tăng 109,321 tỷ đồng, khu vực nông thôn tăng 68,322 tỷ đồng và khu vực miền núi tăng 0,566 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh tăng mức thu học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Trung ương.
Cùng ngày, HĐND TP Cần Thơ đã tổ chức Họp báo ngày thông báo về Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chánh Văn phòng HĐND TP Cần Thơ cho biết, Kỳ họp lần thứ 5 sẽ diễn ra 3 ngày, từ 5 - 7/7/2017, dự kiến nội dung kỳ họp sẽ thông qua 5 báo cáo, 2 tờ trình, 3 dự thảo Nghị quyết của Thường trực HĐND TP; 13 báo cáo và 13 dự thảo Nghị quyết của UBND TP.
Tại kỳ họp lần này HĐND TP sẽ chất vấn 2 Giám đốc sở là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Sở Nội vụ. Nói về những điểm mới tại kỳ họp HĐND TP lần này, bà Vũ Thị Cánh - Phó Chủ tịch HĐND TP cho biết, qua giám sát của HĐND, hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ tới nay đều được hệ thống chính quyền các cấp quan tâm giải quyết kịp thời.
Tại Hậu Giang, Thường trực HĐND cho biết, công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ sáu HĐND khóa IX (sẽ diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/7) đã được thực hiện chu đáo.
Ông Huỳnh Thanh Tạo - Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang yêu cầu Văn phòng HĐND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh phải thực hiện tốt công tác phối hợp, nhất là trong xây dựng và thẩm định các văn bản để khi được thông qua tại kỳ họp có thể triển khai thực hiện sát với thực tế.
Văn phòng HĐND tỉnh cần chủ động các công việc thuộc thẩm quyền để phục vụ tốt cho kỳ họp tới. Về nội dung chất vấn, các câu hỏi đặt ra phải dựa vào những vấn đề mà cử tri quan tâm, các đơn vị khi giải trình cần đi vào trọng tâm của câu hỏi…
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam