Giáo dục

Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 12/2022

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức; Sử dụng bằng của người khác bị phạt tới 20 triệu đồng... là những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 12/2022.

Sử dụng bằng của người khác bị phạt tới 20 triệu đồng

Từ ngày 12/12/2022, Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sẽ được đưa vào áp dụng, thay thế cho Nghị định 79/2015/NĐ-CP.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực GDNN đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng đồng.

Một số hành vi vi phạm tăng mức phạt. Ví dụ, sử dụng văn bằng, chứng chỉ GDNN của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ GDNN của mình sẽ bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (trước đó chỉ phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng).

Ảnh minh họa.



Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (trước đó mức phạt này là từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng).

Ngoài ra, Nghị định 88 cũng bổ sung một số hành vi mới bị xử phạt hành chính như: Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đồng đối với hành vi kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức nhiều ngành

Năm trong danh sách những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2022, Bộ Tài nguyên &Môi trường đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-BTNMT sửa đổi tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường, có hiệu lực từ ngày 9/12/2022.

Theo Thông tư này, yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức địa chính các hạng đã chính thức được bãi bỏ. Chức danh địa chính viên hạng III yêu cầu viên chức có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm. Đối với địa chính viên hạng IV, không còn yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học.


Tương tự, Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao, không còn yêu cầu viên chức phải có trình độ ngoại ngữ theo bậc tương ứng, khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Thay vào đó, viên chức ngành thể dục, thể thao phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

Quy định kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Ngày 8/11/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2022.

Theo Thông tư số 15, học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử; các môn học lựa chọn, gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí.

Thời lượng giảng dạy của các môn học như sau: Toán, Ngữ văn: 252 tiết/môn học; Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử: 168 tiết/môn học. Mỗi môn học được giảng dạy trong 3 kì.

Mỗi ngành, nghề đào tạo phải học các môn học bắt buộc và ít nhất 1 môn học lựa chọn. Người đứng đầu cơ sở GDNN quyết định lựa chọn các môn học bảo đảm phù hợp với ngành, nghề đào tạo.

Về kiểm tra, đánh giá, môn học thời lượng giảng dạy từ 168 tiết có 1 điểm đánh giá thường xuyên; môn học thời lượng giảng dạy 252 tiết có 2 điểm đánh giá thường xuyên. Trong mỗi kỳ, mỗi môn học có 1 điểm đánh giá định kỳ.

Học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá đủ số lần theo quy định, nếu có lí do bất khả kháng thì được kiểm tra, đánh giá bù với yêu cầu cần đạt tương đương với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu. Việc kiểm tra, đánh giá bù được thực hiện theo từng kỳ.

Trường hợp học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá bù theo quy định thì nhận 0 điểm đối với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu.

Trường hợp học sinh có điểm trung bình môn học của môn học nào không đạt từ 5 điểm thì được kiểm tra, đánh giá lại môn học đó. Kết quả đánh giá lại của môn học nào được sử dụng thay thế cho điểm trung bình môn học của môn học đó.

Trường hợp học sinh không đủ điều kiện dự thi kết thúc môn học theo quy định thì phải học lại môn học đó. Việc tổ chức cho học sinh học lại môn học do người đứng đầu cơ sở đào tạo quyết định.

Học sinh có điểm trung bình môn học đạt từ 5 điểm trở lên và nghỉ học không quá 20% thời lượng giảng dạy của môn học thì được dự thi kết thúc môn học đó.

Học sinh chưa dự thi kết thúc môn học vì lý do bất khả kháng hoặc dự thi kết thúc môn học nhưng không đạt 5 điểm trở lên thì được thi lại môn học đó.

Học sinh có điểm thi kết thúc môn học của tất cả các môn học theo ngành, nghề đào tạo đạt từ 5 điểm trở lên được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo ngành, nghề đó.

Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy cấp.

Tác giả: Hoa Tiên

Nguồn tin: phapluatplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP