Thể thao

Người dân đổ xô mua hàng, loạt "đại gia" siêu thị vẫn than khó

Doanh số của các hệ thống siêu thị tăng vọt trong giai đoạn giãn cách xã hội trước nhu cầu lớn về mua sắm hàng nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp than chi phí cũng đội lên song song.

"Chẳng có lò xo nào nén lại gì cả"

Chia sẻ với nhà đầu tư về kết quả kinh doanh quý II, Chủ tịch Tập đoàn Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho biết doanh thu, kết quả kinh doanh của ngành bán lẻ liên hệ chặt chẽ với tình hình giãn cách xã hội, diễn biến của dịch bệnh.

Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, việc chờ đợi sức mua bùng nổ sau thời gian giãn cách như cách ví von lò xo bung ra sau thời gian nén lại chỉ là "nói cho vui". Hiện tại, nhiều người dân, hộ gia đình đã sử dụng hết tiền tích lũy.

"Chẳng có lò xo nào nén lại gì cả. Thu nhập người dân giảm, sức mua giảm sút, đã giảm là giảm luôn. Khả năng chi trả của người lao động sẽ bị ảnh hưởng lâu dài trong năm 2022, có thể kéo qua 2023-2024, tùy thuộc tình hình sản xuất phục hồi", ông Tài nói với nhà đầu tư.

Ông chia sẻ khi nào công nhân quay lại nhà máy với tâm trạng phấn khởi, người dân du lịch rầm rộ, lúc đó mới có thể kỳ vọng sức mua tăng trở lại. Còn trong bối cảnh hiện tại thì doanh nghiệp sẽ cố gắng "thị trường giảm nhiều, công ty giảm ít hơn".

Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng sức cầu tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng thời gian dài sau đại dịch (Ảnh: MWG).

Trong các chuỗi bán lẻ của tập đoàn này, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh được ban lãnh đạo ví von đang bị "trói tay, trói chân". Trong khi đó, hai hệ thống trên vẫn là trụ cột tạo ra lợi nhuận cho tập đoàn vì Bách Hóa Xanh chưa có lãi.

Hiện gần 2.000 cửa hàng điện thoại, điện máy phải tạm đóng cửa, hạn chế bán hàng trong thời gian giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành, tương đương 70% tổng số điểm bán. Việc giao hàng cũng bị hạn chế ở một số địa phương nên kênh bán hàng online cũng tắc.

Người đứng đầu hai chuỗi điện thoại, điện máy của tập đoàn, ông Đoàn Văn Hiểu Em, cho biết chỉ có thể cố gắng duy trì mức 40% so với doanh thu trước dịch nhờ nỗ lực bán hàng ở những nơi vẫn có thể mở cửa.

Siêu thị tăng doanh thu nhưng đội thêm chi phí, than lỗ

Với Bách Hóa Xanh, doanh thu tháng 7 đạt kỷ lục 4.240 tỷ đồng do hiệu ứng người dân tích trữ nhu yếu phẩm nhưng CEO chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng này - ông Trần Kinh Doanh - ước tính tổng doanh số tháng 8 sẽ ổn định ở mức quanh 3.000 tỷ đồng.

Ông Doanh cho rằng trong giai đoạn dịch, Bách Hóa Xanh đã may mắn tăng doanh thu rất nhiều. Nhưng để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của khách hàng, đặc biệt về hàng tươi sống, chi phí vận hành cũng đội lên cao. Chuỗi vẫn giữ mục tiêu tiến tới hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) ở cấp độ công ty trong năm nay.

Với VinCommerce, dù hệ thống VinMart, VinMart+ không công bố doanh thu cụ thể trong tháng 7, ban lãnh đạo Masan cũng chia sẻ với nhà đầu tư mức tăng trưởng doanh số bình quân tại mỗi cửa hàng (SSSG) tháng vừa qua đạt 11% so với tháng 6. Ước tính cho cả quý III, doanh thu của VCM có thể tăng 15% so với cùng kỳ 2020.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết 2.504 cửa hàng VinMart+, tương đương 91% tổng số điểm bán đã ghi nhận biên EBITDA dương trong tháng 6. Song song đó, doanh thu bán hàng trên mỗi m2 của VinMart+ cũng đang trên đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, tương tự Bách Hóa Xanh, VinCommerce cũng chưa hoàn toàn hòa vốn hay có lợi nhuận ròng dương. Ban điều hành Masan kỳ vọng chỉ số biên EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi vay) năm 2021 của VinCommerce sẽ cán mốc 1% trong nửa cuối năm nay.

Hệ thống bán lẻ hiện đại lâu đời nhất là Saigon Co.op không chia sẻ các con số tài chính cụ thể nhưng cho biết dù lượng khách hàng tăng ở cả kênh siêu thị lẫn bán hàng trực tuyến, công ty vẫn gánh lỗ.

Theo lý giải của đại diện Saigon Co.op đưa ra giữa tháng 8, người dân chủ yếu mua sắm thực phẩm tươi sống trong khi đây là ngành hàng có biên lợi nhuận thấp nhất trong các ngành hàng. Ngoài ra, siêu thị cũng phải chịu cảnh đội thêm chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch.

Với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước, Saigon Co.op cũng phải bù lỗ một số mặt bằng bình ổn. Theo đại diện hệ thống này, điển hình nhất là mặt hàng trứng gà khi có thời điểm giá bán ra của siêu thị còn thấp hơn giá mua vào.

Việc người dân có xu hướng tích trữ nhu yếu phẩm khi giãn cách xã hội giúp nhiều siêu thị tăng mạnh doanh số (Ảnh: Nguyễn Quang).

Ngoài yếu tố mua hàng từ nhà cung cấp, siêu thị cũng phải chịu các chi phí phát sinh trong mùa dịch như xét nghiệm nhanh liên tục cho nhân viên, tài xế, các chính sách phúc lợi cho người lao động mùa dịch, phí giao hàng tăng cao. Chưa kể việc nhiều siêu thị phải đóng cửa khi xuất hiện ca nhiễm.

Nhìn chung, bộ phận phân tích của nhiều công ty chứng khoán có cùng nhận định các chuỗi bán lẻ hiện đại, đặc biệt mô hình siêu thị mini, sẽ hưởng lợi kể cả trong tương lai vì khách hàng ưu tiên trải nghiệm tại những địa điểm có không gian sạch sẽ, an toàn, đáp ứng nhu cầu mua sắm nhiều mặt hàng thay vì phải di chuyển đến nhiều nơi để giảm bớt tiếp xúc công cộng.

Dù vậy, chuyên gia phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhấn mạnh các kênh bán hàng truyền thống như tạp hóa, chợ sẽ không thể bị thay thế dù xu hướng hiện đại hóa trong ngành bán lẻ tiếp tục.

Đặc biệt, VDSC lưu ý chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong 4 năm qua vì triển vọng việc làm, thu nhập bi quan trong đợt dịch lần này.

Khi các quy định giãn cách dần được nới lỏng, ngành bán lẻ sẽ phục hồi nhưng không đồng đều. Trong khi các hệ thống siêu thị bán hàng nhu yếu phẩm có thể lạc quan, những doanh nghiệp bán lẻ các mặt hàng không thiết yếu có thể sẽ phải tung rất nhiều đợt khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng.

Tác giả: Việt Đức

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP