Cuộc sống

Mẹ chồng chăm cháu sai cách, tôi phải làm gì?

Tôi đã hướng dẫn bà cách pha sữa bột đúng công thức nhưng bà vẫn tự đong sữa và nước theo ý mình. Bà thường pha loãng hơn vì sợ ngọt quá, "đến người lớn còn không uống được nữa là trẻ con".

Tôi năm nay 25 tuổi. Trước đó, tôi cùng chồng sống ở Hà Nội nhưng từ khi sinh em bé xong, tôi về quê ở cùng gia đình nhà chồng còn chồng tôi tiếp tục ở trên Hà Nội cuối tuần mới về với vợ con.

Từ khi chuyển về ở cùng gia đình nhà chồng, mẹ chồng tôi nhận việc chăm sóc cháu trai đích tôn. Bà muốn áp dụng các kinh nghiệm nuôi trẻ của người xưa trong khi tôi định nuôi theo những kiến thức hiện đại. Sợ cháu bị tiêu chảy khi bú mẹ, bà chỉ cho tôi ăn cơm với rau luộc, thịt, trứng, gà, tuyệt đối không được ăn đồ tanh trong 6 tháng đầu. Có vài lần, tôi đã phải trốn mẹ chồng ra ngoài ăn tôm cá.

Bỏ qua việc kiêng khem của bà, điều làm tôi đau đầu nhất đó là khi bà pha sữa cho cháu. Tôi đã hướng dẫn bà cách pha sữa bột đúng công thức nhưng bà vẫn tự đong sữa và nước theo ý mình, bà thường pha loãng hơn vì sợ ngọt quá, "đến người lớn còn không uống được nữa là trẻ con".

Rồi cả việc bà nấu bột cho cháu cũng mắc sai lầm. Mẹ chồng tôi thường cho thêm gia vị vào bột để cháu ăn cho vừa miệng. Tôi có nhiều lần góp ý với mẹ chồng rằng: Khi nấu bột, bà không cần cho thêm gia vị bởi không cần thiết mà còn gây ảnh hưởng đến thận của cháu. Tôi có lí giải rằng: Bé nhà mình còn nhỏ nên hệ thống các cơ quan trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện và còn non nớt, nhất là thận. Nếu nêm muối hoặc nước mắm vào bột, bộ phận này không thể chuyển hóa được. Chúng sẽ làm tổn thương thận. Ấy thế mà, mẹ chồng tôi vẫn nấu theo thói quen bởi bà nghĩ nhạt như thế, không có vị gì thì cháu bà làm sao mà ăn được. Giờ tôi phải làm sao đây? (Nguyễn Thị Chinh, Hải Dương)

Chuyên gia tư vấn:

Bác sĩ nhi khoa Đỗ Hồng Ngọc (trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TP.HCM) tư vấn, đôi khi nỗi khổ của bà mẹ trẻ hiện nay chính là có quá nhiều kiến thức về nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, việc áp dụng cần phải theo thực tế của Việt Nam.

Ông chia các phong tục về nuôi dạy trẻ của thế hệ trước ra ba loại: 1. Tốt, 2. Xấu và 3. Không tốt - không xấu. Nếu là phong tục tốt thì các mẹ nên làm theo, nếu là xấu thì nên bỏ, còn loại không tốt không xấu thì cứ đối xử bình thường. Ví dụ bôi nhọ nồi, bôi son vào trán trẻ khi đi ra đường không có ích cũng không có hại, nhưng nếu để làm vui lòng ông bà thì bố mẹ cũng nên làm.

Bác sĩ Hồng Ngọc cho biết, ông từng nhận được nhiều thư của các bà nội bà ngoại hỏi về việc chăm cháu, đặc biệt có những bà cảm thấy rất đau khổ khi con cái không chịu làm theo cách của mình. Ông chỉ khuyên các bà đã có công nuôi dưỡng chăm sóc các con rồi thì bây giờ nên nghỉ ngơi, để phần việc chăm cháu cho bố mẹ của chúng. "Phụ huynh lớn tuổi chỉ nên hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, giúp đỡ cho phụ huynh trẻ chứ không nên can thiệp vào việc nuôi dạy bé của bố mẹ chúng", bác sĩ khuyên.

Nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà, trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình (Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam) cho biết, đôi khi ông bà can thiệp quá sâu vào việc chăm sóc cháu lại gây ra những xung đột khó giải quyết trong gia đình nhiều thế hệ.

Những người mới làm mẹ thường có tâm lý căng thẳng “làm sao để tốt nhất cho con mình?”, vì thế dễ có tâm lý chống đối, phản ứng lại khi nghe lời khuyên bảo dạy dỗ, đặc biệt khi nó kèm theo với thái độ chỉ trích và áp đặt.

Thực tế, hành động của ông bà xuất phát từ lòng thương yêu, thấy có trách nhiệm phải lo cho cháu. Hơn nữa, ông bà thường tự cho là mình đã có kinh nghiệm chăm con nên chắc chắn làm tốt hơn con cái trong việc chăm trẻ. Người lớn tuổi cũng rảnh rỗi nên muốn thay con chăm cháu, mà quên mất là vô tình can thiệp quá sâu.

Nhiều người phụ nữ bày tỏ sự mệt mỏi và ức chế khi bị ông bà “lạm quyền” trong việc chăm con, nhất là khi giữa hai thế hệ có sự khác biệt lớn về quan điểm và cách thức nuôi dạy trẻ.

Nhà tâm lý cũng thừa nhận, nếu ở chung, rất khó có cách ứng xử để toàn vẹn đôi đường. Trong trường hợp này, chị em chẳng còn cách nào khác là phải khéo léo nói, chẳng hạn “bố mẹ giúp con trông cháu là đã mệt lắm rồi, việc cho cháu uống thuốc, khám bệnh hay sắm đồ ăn, cứ để con làm, để bố mẹ có chút thời gian nghỉ ngơi”.

Đừng bao giờ tỏ thái độ không nghe hay không cần ông bà. Người già hay tự ái, dễ cho là mình bị cho ra rìa nếu con cái phản bác thẳng thừng. Bạn nên nhờ ông bà những việc cụ thể, và khéo léo xin lời khuyên trong những trường hợp bạn biết họ có kinh nghiệm hơn mình.

Trường hợp đặc biệt, liên quan đến sức khỏe của trẻ, thì đôi khi vẫn phải có những cuộc nói chuyện thẳng thắn nhưng mềm mỏng bày tỏ quan điểm. Bạn có thể tìm đồng minh là chồng và để ông xã trực tiếp nói, hoặc nhờ những người mà ông bà tín nhiệm nói giúp. Bạn cũng có thể thỉnh thoảng vờ như vô tình kể những trường hợp, các kiến thức mình biết trên sách báo, hay rủ ông bà đưa cháu đi khám cùng và nhờ bác sĩ nói hộ…

Nhà tâm lý cũng cho rằng, điều quan trọng là người lớn tuổi cần hiểu chăm sóc trẻ là trách nhiệm của bố mẹ chúng, ông bà chỉ là người hỗ trợ phần nào, và không nên can thiệp sâu vào việc này. Điều đó vừa tạo cho con cái họ cơ hội để trưởng thành, không ỷ lại, vừa cho họ có thời gian nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe. Khi con cái nhờ thì sẵn sàng làm và góp ý nhưng hãy để bố mẹ chúng là người quyết định.

Tác giả: Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: nàng dâu , mẹ chồng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP