Cuộc sống

Làm dâu ngày Tết

Tôi từng líu ríu tay chân, sợ bình hoa đặt sai chỗ, sợ món ăn không hợp khẩu vị nhà chồng... Rồi tôi nhận ra, mâm cỗ nào cũng sẽ ngon, nếu Tết có hương vị đoàn viên.

Ngày cuối cùng của năm cũ, tôi dành cả buổi sáng lẩn mẩn gọt dưa chuột với tỉa cà rốt - hẳn nhiên là với phao cứu sinh từ Google và YouTube. Nghe có vẻ rảnh nhỉ? Công nhận là rảnh thật vì mẹ chồng và em chồng tôi đã tất bật chuẩn bị mâm cỗ Tết, nem đã được cuốn từ tối hôm trước, luộc gà lúc sáng sớm và món nguội thì đã trữ trong tủ từ lâu.

Cái Tết thứ tư ở nhà chồng, tôi dần bắt nhịp với phong tục bày cỗ cúng gia tiên, món này được nêm nếm thế nào, món kia bày ra sao, không được cho tỏi, không được bốc nhón, không được ăn vụng trước các cụ - tự tay lo những việc mà hơn 25 năm ở nhà mẹ đẻ, tôi chỉ loanh quanh vòng ngoài kiểu nhặt rau, rửa lá.

Người ta nói, cái giá của trưởng thành là sự cô đơn. Càng có tuổi, người lớn có lẽ sẽ càng yếu đuối và cần tìm nơi nương tựa. Nơi đó là nhà, là tổ tiên ông bà, và cũng có thể là con cái họ… Đó là nơi cho chúng ta sức mạnh để vượt qua 365 ngày bị đời quăng quật mà vẫn có thể mỉm cười, vững tin bước tiếp, cố gắng nỗ lực vì họ tin, dù gì họ vẫn có nơi để nương tựa – đó là gia đình.

Vậy nên, người trẻ khoan hẵng nhì nhèo những phong tục mà họ coi là rườm rà ngày Tết, khoan hẵng cho mình là tân tiến mà coi nhẹ những truyền thống được gìn giữ bấy lâu.

Vì sao bố mẹ cứ ngóng con về ăn bữa cơm tất niên? Vì sao ngày lễ ngày Tết cứ phải cúng đơm nhiều món nhiều vị? Tết cũng như ngày thường sao phải dọn nhà từ trong ra ngoài, sắm này sắm kia rắc rối dù vài ngày là lại hết Tết? Đó âu cũng là cách để cảm ơn những sức mạnh đã nâng đỡ họ cho năm dài tháng rộng mà thôi.

Năm nay, nhà mẹ đẻ tôi đã có dâu mới, dâu mới sắm hết thứ này đến thứ khác, cắm hoa, dọn nhà, gói bánh… làm hết phần việc tôi từng làm trước đây. Còn tôi cũng về làm dâu nhà mẹ nội, dù chẳng làm gì chỉ múa may quay cuồng cười nói hót như chim từ phòng bếp ra phòng khách.

Làm dâu vui hay buồn, khó hay dễ, trải qua vài ngày Tết cùng nhau là có câu trả lời - cho cả nàng dâu và mẹ chồng. Làm dâu ngày Tết, biếu nhà chồng 2 triệu cũng được, 5 triệu cũng được, miễn là con cháu bình an trở về. Làm dâu ngày Tết, cỗ chay cũng được, cỗ mặn cũng được, miễn là có lòng thành dâng kính ông bà tổ tiên. Làm dâu ngày Tết, ở nhà cúng đơm đủ 3 ngày theo truyền thống cũng được, không thì kéo nhau đi du lịch trong Nam ngoài Bắc cũng được, miễn là gia đình mạnh khoẻ, sum vầy.

Tôi trước đây từng là chỗ dựa cho mẹ ngoại, sau này tôi sẽ là chỗ dựa cho mẹ nội, và chính tôi cũng đang dần nuôi nấng nơi nương tựa cho mình về sau.

Tôi từng bỡ ngỡ, tủi thân với cái tên "nàng dâu mới", đỏ hoe mắt khi gọi về chúc Tết bố mẹ đẻ qua điện thoại. Rồi tôi nhận ra, cả gia đình chồng đang đợi thành viên mới cùng cúng giao thừa, cùng chúc rượu mừng xuân và trao nhau những bao lì xì cho cả năm may mắn.

Tôi từng líu ríu tay chân, sợ rằng bình hoa đặt sai chỗ, sợ nêm nếm món canh theo vị miền Bắc không hợp với khẩu vị người miền Trung... Rồi tôi nhận ra, mâm cỗ nào cũng sẽ ngon, cũng hợp khẩu vị mọi người nếu Tết có hương vị đoàn viên.

Tết gần Tết xa, Tết nội Tết ngoại, ở đâu có nơi cho mình nương tựa, nơi ấy là Tết mà nhỉ?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tác giả: Nguyễn Thị Hà

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: năm mới , làm dâu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP