Giáo dục

Đôi vợ chồng tự chế thiết bị dạy học

Xót cảnh học trò phải học “chay”, đôi vợ chồng cùng là giáo viên dạy vật lý đã mày mò làm ra nhiều thiết bị dạy học rất thiết thực, lại vô cùng rẻ tiền.


f68a4eb5
Máy quang phổ tự chế của vợ chồng thầy Ánh được làm từ những vật dụng phế thải - Ảnh: QUỐC NAM


Họ là Thái Ngọc Ánh (sinh năm 1981) và Nguyễn Thị Xuân Hiền (1986). Thầy Ánh là giáo viên dạy lý tại Trường THPT Vĩnh Định, còn cô Hiền là giáo viên lý - hóa tại Trường THPT Chu Văn An, cùng thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Mới đây nhất, hai vợ chồng này đã cùng sáng tạo ra bốn bộ dụng cụ thí nghiệm có thể dùng để giảng dạy toàn bộ chương sóng ánh sáng của môn vật lý lớp 12. Bốn bộ thí nghiệm này đã được đưa đi dự thi cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục của Bộ GD-ĐT và được đánh giá rất cao vì khả năng ứng dụng thực tế.

Bộ thí nghiệm từ đồ... phế thải

Thầy Ánh và cô Hiền hiện đang ở cùng gia đình bên ngoại. Điểm nhấn trong ngôi nhà nhiều tuổi này là một căn phòng nhỏ chứa đầy những đồ dùng dạy học của hai vợ chồng. Trong căn phòng này có một chiếc hộp giấy đựng ngổn ngang các loại dây điện, lăng kính, giấy màu, con chíp cũ khiến người ngoài nhìn vào đã liên tưởng ngay đến những tiệm sửa đồ điện tử.

“Đó là tài sản lớn nhất của hai vợ chồng. Phải mất nhiều năm mày mò chế tạo mới được chừng này dụng cụ dạy học cho học sinh” - thầy Ánh giới thiệu trước sự ngạc nhiên của người lạ.

Lôi từ trong chiếc hộp giấy ra một đoạn ống nước ngắn bằng ngón tay, một thấu kính mỏng và một bóng đèn laser nhỏ như đầu đũa, thầy Ánh nói đây là sáng chế mà hai vợ chồng thầy tâm đắc nhất.

Phải đến khi thầy Ánh lắp ghép những thứ này lại, chúng tôi mới biết nó là một... cái máy. Hóa ra đây chính là máy quang phổ mà vợ chồng thầy Ánh đã mày mò tự chế để học sinh dùng làm thí nghiệm trong một loạt bài học về quan sát hiện tượng tán sắc, hiện tượng quang phổ liên tục, quang phổ vạch phát xạ, quang phổ vạch hấp thụ...

Chiếc máy quang phổ này vô cùng đơn giản và rẻ tiền đến mức khó tin. Thấu kính hội tụ được thầy Ánh đi xin lại từ một người bạn có máy ảnh kỹ thuật số đã bị hỏng. Đoạn ống nước xin từ đồ bỏ đi của nhà hàng xóm được thầy cưa đúng bằng tiêu cự của thấu kính. Một đầu của đoạn ống nước được ghép với thấu kính, một đầu ghép với khe chắn sáng (gọi là ống dẫn trực).

Một đèn laser làm nguồn sáng được thầy đi mua với giá chưa đến 10.000 đồng ở chợ, được sử dụng làm nguồn sáng. Vậy là hoàn thành cái máy quang phổ. “Một ưu điểm của cái máy này nữa là có thể bỏ vào túi quần đem lên lớp dạy” - thầy Ánh nói.

Thầy Ánh kể sáng chế này đến một cách ngẫu nhiên, khi thầy lên lớp dạy những bài học về ánh sáng mà nhiều học sinh chẳng hình dung được, vì toàn những khái niệm quá mông lung. Về, hai vợ chồng bàn với nhau cùng tìm cách.

Đó là giai đoạn 2011-2012. “Máy quang phổ thời điểm đó chưa có trường nào trên cả nước được trang bị để dạy học. Mua thì quá đắt tiền. Không ai nghĩ là nó lại đơn giản như thế”. Ngay sau khi máy quang phổ này ra đời và đưa vào dạy học tại trường, thầy Ánh đã được mời đi báo cáo tại Hội nghị khoa học trẻ toàn quốc lần thứ 7. Sau đó chiếc máy được Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đưa vào tài liệu tập huấn toàn quốc về thiết bị dạy học tự làm.

Lấy học sinh làm động lực

Trong chiếc hộp “đồ nghề” của vợ chồng thầy Ánh còn rất nhiều những dụng cụ thí nghiệm vật lý do hai người tự chế. Như dùng hai lưỡi lam ghép lại với nhau (có khe hở), và chiếu nguồn sáng vào để quan sát hiện tượng nhiễu xạ. Cũng với hai lưỡi lam này nhưng thêm một chiếc kim hoặc một lõi dây điện nhỏ thì có thể quan sát được hiện tượng giao thoa ánh sáng...

Mỗi thiết bị tự tạo ra, hai vợ chồng nói rằng đều lấy học sinh làm động lực. “Học sinh không tiếp cận được với thí nghiệm trực quan thì khả năng tiếp nhận bài học sẽ vô cùng hạn chế. Nhất là những môn có tính đặc thù trừu tượng cao như vật lý” - thầy Ánh nói.

Hai vợ chồng đều lớn lên trong nghèo khó, học trường huyện nên hiểu được những thiệt thòi của học sinh, nhất là học sinh vùng nông thôn trong điều kiện học tập. Có khi cả năm không được nhìn thấy bộ thí nghiệm vật lý, hóa học là gì. Chỉ lên lớp thầy cô đọc sao chép vậy. “Chính vì những suy nghĩ này nên hai vợ chồng mới dồn hết thời gian và tâm trí, cặm cụi tạo ra những bộ thí nghiệm đơn giản nhất cho các em thực hành” - cô Hiền chia sẻ.

Điều khiến hai vợ chồng vui nhất là những sáng tạo của mình được học trò hưởng ứng rất cao. Em Phan Văn Nhân, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Vĩnh Định, nói mỗi giờ học vật lý của thầy Ánh ở trường không còn là những giờ học khô cứng lý thuyết chay nữa mà học sinh được nhìn, được sờ thấy, thậm chí còn được thầy hướng dẫn tự làm đồ dùng thí nghiệm nữa.

Thầy Ánh còn tìm cách truyền cho học sinh của mình cảm hứng sáng tạo từ đồ phế thải. Năm học vừa qua, hai học sinh của trường được thầy Ánh hướng dẫn đã đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo trẻ thanh thiếu niên tỉnh Quảng Trị, và đoạt giải khuyến khích cuộc thi này toàn quốc. Điều đáng nói, sản phẩm hai học sinh này mang đi dự thi được làm từ chính những đồ phế thải điện tử.

Luôn trăn trở vì học sinh

Thầy Phạm Chí Tam, hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Định, nói ở trường thầy Ánh là người luôn trăn trở làm thế nào để học sinh học hiệu quả nhất, khoa học nhất. “Với học sinh trường huyện nghèo như Trường Vĩnh Định, thiết bị dạy học là vô cùng hạn chế. May mà có thầy Ánh, với khả năng sáng tạo của mình đã cải tiến và chế tạo ra rất nhiều thiết bị hữu ích, giúp học sinh học tốt hơn bằng thực nghiệm” - thầy Tam cho hay.

Mỗi thiết bị dạy học được tạo ra, vợ chồng thầy Ánh đều gửi đi đăng các tạp chí khoa học trong ngành giáo dục. Đến nay vợ chồng thầy đã có 17 bài được đăng ở các tạp chí này. Thầy Ánh nói không phải vì muốn bản thân được nổi tiếng, mà chỉ đơn giản là muốn sáng kiến của mình được nhiều người biết. Càng nhiều người biết thì sẽ càng có nhiều người áp dụng. Khi đó người “được” chính là học sinh.

Tác giả bài viết: QUỐC NAM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP