Tin địa phương

Đà Nẵng: Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn mất hút thanh khoản

Chuyên gia cho rằng, sụt giảm nguồn cầu, sụt giảm giao dịch, thiếu niềm tin thị trường, thiếu dòng tiền là một trong những nguyên nhân thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng nói riêng vẫn trong tình trạng “ngủ đông”.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng tiếp tục ngủ đông. (Ảnh: Int)

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Nghị định này được các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản đặc biệt quan tâm và tin tưởng sẽ tháo gỡ được nút thắt pháp lý trong việc cấp sổ đỏ cho loại hình bất động sản nghỉ dưỡng.

Thị trường vô cùng ảm đạm

Tuy nhiên, thực tế thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và Đà Nẵng nói riêng, mọi giao dịch vẫn trầm lắng, thậm chí gần một năm không phát sinh giao dịch mới.

Kỳ vọng về tương lai ngành du lịch Việt Nam khởi sắc, nhiều nhà đầu tư thứ cấp tại Hà Nội đã không ngần ngại xuống tiền đầu tư shophouse, condotel tại Đà Nẵng từ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Ông Trần Văn Hưng (Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một ví dụ điển hình, đã “ôm” cả một sàn condotel tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Số tiền bỏ ra hơn 100 tỷ đồng trả chủ đầu tư theo dạng “mua đứt bán đoạn”. Dịch ập tới, sàn ngao ngán trong 2 năm (2020-2021) mới bán được 10 căn. Số còn lại 5 căn gần như dậm chân tại chỗ từ giữa năm 2022 đến nay.

Cũng như ông Hưng, một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Đà Nẵng còn “ôm” biệt thự nghỉ dưỡng tại Sơn Trà, tuy nhiên từ giữa năm 2022 đến nay chỉ lác đác một vài căn được giao dịch, số còn lại gần như nằm im bất động.

Báo cáo thị trường bất động sản Đà Nẵng mới đây của DKRA (một đơn vị nghiên cứu thị trường) cho thấy, bất động sản Đà Nẵng vẫn ảm đạm. Đặc biệt, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chưa thoát khỏi tình trạng "ngủ đông".

Cụ thể, đối với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mở bán mới gần một năm qua. Các dự án mới trong khu vực liên tục dời thời gian triển khai bán hàng, trong khi đó dự án sơ cấp gần như đóng giỏ hàng không ghi nhận phát sinh giao dịch.

Trong quý I, mặt bằng giá bán sơ cấp phân khúc này không biến động so với cùng kỳ năm trước, mức giá sơ cấp dao động 9-13 tỷ đồng/căn.

Đối với phân khúc nhà phố shophouse nghỉ dưỡng, thị trường rơi vào trạng thái "ngủ đông", nguồn cung tiếp tục vắng bóng hơn 1 năm. Những rào cản pháp lý cũng như nhiều dự án thay đổi kế hoạch triển khai bán hàng đã ảnh hưởng đến nguồn cung mới trong tháng.

Nguồn cung căn hộ khách sạn (condotel) tiếp tục duy trì sự khan hiếm. Thị trường "đóng băng" khi liên tiếp không có dự án mở bán mới. Việc thanh tra hàng loạt dự án cũng như tình hình trầm lắng của thị trường khiến nhiều chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc triển khai bán hàng.

Thanh khoản phân khúc này trầm lắng. Hầu hết dự án đóng giỏ hàng, không ghi nhận phát sinh giao dịch. Lũy kế đến hết quý I năm nay có khoảng 669 căn tồn kho.

Thị trường ghi nhận một số tin rao thứ cấp với mức giá giảm 10-15% so với giá bán trên hợp đồng, chủ yếu tập trung ở những nhóm khách hàng sử dụng đòn bẩy ngân hàng.

Mất niềm tin từ condotel

Cú sốc thị trường bất động sản Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2019 khi dự án Cocobay đã không thực hiện cam kết trả lãi cho khách hàng khi quản lý căn hộ dịch vụ. Sự việc này tạo ra mâu thuẫn kéo dài giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Tiếp đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 (giai đoạn năm 2020-2021) đã khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng đi xuống và trầm lắng. Thực trạng khó khăn của thị trường này tiếp tục kéo dài đến nay.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khu vực miền Trung (trong đó có Đà Nẵng) tiếp tục ghi nhận dấu hiệu trầm lắng, đặc biệt là phân khúc căn hộ du lịch.

Ngoài các nguyên nhân trên, VARS cho rằng, niềm tin vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của khách hàng ngày càng sụt giảm. Bên cạnh đó, các dự án trên thị trường tại hầu hết các địa phương đều trong tình trạng đắp chiếu, chờ phê duyệt. Đơn cử như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh… Trong tình hình kinh tế suy giảm, hiệu quả sử dụng và kinh doanh đặc biệt với bất động sản nghỉ dưỡng là rất thấp.

Đặc biệt là việc thiếu dòng tiền, Chính phủ đã siết chặt tín dụng, áp dụng với bất động sản có tính đầu cơ cao, lãi suất cao khiến các doanh nghiệp không chịu được áp lực.

Theo đơn vị đưa báo cáo, mặc dù Chính phủ đưa ra những chính sách gỡ vướng như quy định về cấp sổ hồng cho condotel, yêu cầu các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhưng thị trường vẫn còn khá ảm đạm. Phân khúc condotel dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng tiếp theo và khó có những chuyển biến tích cực trong ngắn hạn.

Trước bối cảnh khó khăn chung của thị trường, trong những tháng tiếp theo phân khúc nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng dự kiến vẫn tiếp tục trầm lắng. Dự kiến trong những tháng tiếp theo, thị trường vẫn tiếp tục rơi vào trạng thái "ngủ đông" và khó hồi phục trong ngắn hạn.

Tác giả: Minh Trang

Nguồn tin: Nhịp sống thị trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP