Tin địa phương

Kinh tế Đà Nẵng 6 tháng - Bài 1: Tốc độ tăng trưởng đứng thứ 3/5 thành phố trực thuộc TW

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong bối cảnh nhu cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu giảm, nhưng tổng sản phẩm (GRDP) của Đà Nẵng 6 tháng qua vẫn tăng 3,74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, UBND thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương hướng đến mục tiêu đảm bảo thực hiện thành công Chủ đề năm 2023: “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Xoay quanh vấn đề trên, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện loạt 3 bài viết về kinh tế thành phố Đà Nẵng với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cũng như những khó khăn cần giải quyết và phương phương hướng, giải pháp 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu kế hoạch trong cả năm 2023.

Bài 1: Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc TW

Sáu tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn; lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; tăng trưởng thương mại chậm lại trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục suy yếu, nhu cầu đối với hàng tiêu dùng giảm. Triển vọng kinh tế năm 2023 vẫn không chắc chắn khi bị ảnh hưởng bởi tốc độ và trình tự thắt chặt chính sách tiền tệ, diễn biến của cuộc xung đột tại U-crai-na và những căng thẳng địa chính trị khác đe dọa gián đoạn lên chuỗi cung ứng toàn cầu...Thời điểm tháng 6 năm 2023, đa số các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022.

Ở trong nước, kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số kết quả tích cực: dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Hoạt động bán lẻ tăng trưởng tốt và giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh là hai động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong bối cảnh nhu cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu giảm, nhưng tổng sản phẩm (GRDP) của Đà Nẵng 6 tháng qua vẫn tăng 3,74% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế thành phố Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng trong quý I năm 2023 với mức tăng sơ bộ so với cùng kỳ đạt 7,81%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng. Tuy nhiên, bước sang quý II, trên nền kết quả tăng cao của cùng kỳ năm 2021-20221, một số lĩnh vực kinh tế có xu hướng sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm 2023.

Hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Theo đó, trong mức tăng 3,74% toàn nền kinh tế trong 6 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,22% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,15%, đóng góp 4,18 điểm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,40%, đóng góp 0,04 điểm; riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,60%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm của mức tăng GRDP chung.

Quy mô nền kinh tế thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, quy mô giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với gần 4.810 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng hơn 122 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng gần 17 tỷ đồng (trong đó, riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 363 tỷ đồng, lĩnh vực xây dựng giảm 346 tỷ đồng).

Cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có sự dịch chuyển nhẹ giữa 3 khu vực so với cùng kỳ năm trước: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,73%; khu vực dịch vụ chiếm 69,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,93%.

Khách du lịch trải nghiệm chèo Sup tại bãi biển Mân Thái (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

Đặc biệt, xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, thứ 6/8 tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung và xếp vị trí 46/63 địa phương trên cả nước. Xét về quy mô GRDP, Đà Nẵng xếp thứ 17 cả nước; đứng đầu các tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung, tăng 1 bậc so với cùng kỳ năm 2022 và tiếp tục duy trì vị trí thứ 4 trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, với GRDP tăng 3,74% trong 6 tháng qua không phải là mức tăng trưởng cao, nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng tại nhiều địa phương có quy mô lớn như Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh... ở mức thấp./.

Tác giả: Văn Xuyên

Nguồn tin: bnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP