Thế giới

Chính quyền TT Trump công bố quan chức thời Obama ‘lật mặt’ ông Flynn

Chính quyền Trump gửi cho Quốc hội Mỹ danh sách vài chục quan chức thời Obama đã yêu cầu được biết danh tính Michael Flynn, quan chức dưới quyền TT Trump từng nhận tội nói dối FBI.

Ông Flynn từng gây tranh cãi vì có các cuộc nói chuyện với Sergey Kislyak, lúc đó là Đại sứ Nga tại Mỹ vào cuối năm 2016, nói về các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Moscow. Ban đầu, tên ông Flynn được giữ kín trong các báo cáo tình báo, nhưng sau đó, tên của ông bị tiết lộ cho báo chí, dù không rõ ai là người tiết lộ.

Ông đã phải từ chức cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, chỉ ít ngày sau khi tổng thống bắt đầu nhiệm kỳ.

Đến tháng 12/2017, ông Flynn nhận tội khai man khi các điều tra viên liên bang hỏi ông về cuộc nói chuyện trên. Nhưng sau đó, ông đã xin rút lại lời nhận tội.

Ông Flynn là cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của Tổng thống Trump, từ chức chỉ ít ngày sau khi bắt đầu nhiệm kỳ. Ảnh: AP.

Danh sách trên, do trang The Hill tiếp cận được, được Giám đốc Tình báo Quốc gia Richard Grenell giải mật và gửi cho các nghị sĩ Ron Johnson (bang Wisconsin) và Chuck Grassley (bang Iowa), đều của đảng Cộng hòa, vào ngày 13/5.

Danh sách bao gồm một số tên tuổi của chính quyền Obama như Phó tổng thống Joe Biden, Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough, Giám đốc FBI James Comey, Giám đốc CIA John Brennan.

“Các quan chức cấp cao trên, thông qua quy trình xin chấp thuận hợp lý, đã yêu cầu biết danh tính của ông Flynn, là người đã có các cuộc gọi mà giới tình báo đã nghe được và thấy báo động”, Elie Honig, một cựu công tố viên liên bang, giải thích với The Hill. “Không có gì sai trái ở đây”.

Việc các quan chức cao cấp yêu cầu tiết lộ danh tính của các cá nhân không được nêu tên trong báo cáo tình báo không phải là hiếm. Nhưng trong bối cảnh chính trị hiện tại, danh sách trên sẽ càng làm tăng thêm tranh cãi xung quanh vụ việc Michael Flynn.

Tổng thống Trump đã luôn nói chính quyền Obama muốn gây hại cho ông về chính trị, và sẽ coi việc các quan chức Obama yêu cầu biết danh tính ông Flynn là bằng chứng của việc đó.

Trong khi đó, phía đảng Dân chủ sẽ coi việc Giám đốc Tình báo Quốc gia Richard Grenell công bố danh sách các quan chức là bằng chứng cho thấy chính quyền hiện tại đang chính trị hóa công việc tình báo, điều tra.

Vụ việc Michael Flynn nóng trở lại sau khi Bộ Tư pháp của chính quyền Trump vào tuần trước quyết định hủy các cáo buộc nhắm vào ông Flynn về việc nói dối điều tra viên. Dù trước đó, ông Flynn đã xin nhận tội.

Hiện vụ việc sẽ do một thẩm phán liên bang quyết định, xem có cho phép Bộ Tư pháp rút lại cáo buộc hay không, hay sẽ yêu cầu thêm thông tin, hay vẫn sẽ tiến hành kết án.

Theo The Hill, việc các quan chức giữ kín tên của công dân Mỹ mà họ thu thập được qua các thông tin tình báo là khá phổ biến, chẳng hạn chỉ ghi “Người số 1”, nhằm bảo vệ sự riêng tư của các công dân. Nhưng một số quan chức nhận được báo cáo tình báo có thể yêu cầu tiết lộ tên một cách nội bộ, để có thêm căn cứ nhìn nhận giá trị của thông tin tình báo.

“Việc yêu cầu tiết lộ tên một người Mỹ xuất hiện trong báo cáo tình báo không có gì sai trái, chừng nào người yêu cầu có thẩm quyền và có lý do chính đáng”, Barbara McQuade, giáo sư luật tại Đại học Michigan, nói với The Hill.

“Nếu người Mỹ trong báo cáo lại đang có các liên lạc đáng nghi với chính phủ nước ngoài chẳng hạn, thì các quan chức tình báo sẽ có trách nhiệm xác định rõ danh tính, để họ có thể đánh giá một cách hiệu quả các thông tin”, bà McQuade nói thêm.

Danh sách khi được gửi cho Quốc hội Mỹ cũng cho biết các quan chức trong danh sách đều là người nhận có thẩm quyền của các báo cáo, và việc yêu cầu tiết lộ tên được chấp thuận qua quy trình của Cơ quan Tình báo Quốc gia, bao gồm phải có lý do chính đáng.

Tác giả: Trọng Thuấn

Nguồn tin: Zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP