Nhân ái

Cay mắt nghe cảnh đời mồ côi mẹ của tân sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng

Ba lập gia đình mới, mẹ mất sau tai nạn giao thông, Lương vẫn cố gắng học hành và đỗ vào trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Tuy nhiên, niềm vui chẳng tày gang khi gánh nặng về chi phí ăn học lại đè lên vai cô sinh viên mồ côi.

Nguyễn Thị Lương dù đỗ vào trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng nhưng chặng đường trước mắt của em vô cùng khó khăn. Ảnh: Vietnamnet.

Tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, em Nguyễn Thị Lương (19 tuổi) đến từ vùng đất nghèo Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đạt số điểm 23,85 điểm và đỗ vào khoa ngôn ngữ tiếng Trung, trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng.

Được biết, Lương sinh ra và lớn lên ở Đắk Nông trong gia đình thuộc hoàn cảnh khó khăn, ba lập gia đình mới bỏ mẹ và 3 đứa con côi cút sống một mình. Bốn mẹ con quyết định vào Bình Dương làm ăn, kiếm sống.

Nỗi đau ập đến vào năm 2017, mẹ của Lương bị tai nạn giao thông qua đời để lại 3 chị em không chốn nương thân nơi đất khách.

An táng cho mẹ xong, ba chị em về lại với mảnh đất chôn rau cắt rốn, về lại với sự đùm bọc của người cậu ở miền quê Cẩm Nhượng, Hà Tĩnh. Lương quyết tâm nối lại con đường học tập sau những tháng ngày cùng mẹ vào Bình Dương kiếm sống.

Nay trên mảnh đất quê hương, được sự động viên của thầy cô, sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía sở giáo dục tỉnh, Lương được miễn giảm học phí và được hỗ trợ 500.000 VNĐ mỗi tháng. Với tổng điểm năm lớp 11 là 8,1, Lương được chuyển sang học lớp nâng cao sau khi lên lớp 12.

Ngày đi học, tối về Lương vừa tranh thủ học bài vừa trông em. Trong căn nhà lụp xụp, trống vắng bàn tay, hơi ấm của người mẹ, ba chị em không tránh khỏi những phút giây yếu lòng.

Với quyết tâm sẽ học thật tốt, kiếm công việc thật ổn định để phụ giúp chị gái và em nhỏ, Lương đã không phụ lòng thầy cô cũng như chị gái và người cậu của mình. Em đậu vào trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng nhưng từ đây chuỗi ngày khó khăn lại bắt đầu.

Chị gái Lương phải nghỉ làm công nhân ở nhà giữ em nhỏ với số tiền trợ cấp ít ỏi 1.350.000 đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó gánh nặng học phí lẫn tiền ăn học, nhà trọ đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của cô gái chập chững bước vào ngưỡng cửa sinh viên.

“Biết là khó khăn nhưng em phải cố gắng, cố gắng để chị và em gái đỡ khổ, em phải học tập thật tốt, vừa học vừa làm để tự chi trả cho bản thân. Chị gái đã khổ rất lâu rồi, em không muốn chị khổ vì em nữa” - Lương tâm sự.

Bên cạnh trường hợp của Lương, trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cũng chứng kiến nam sinh Nguyễn Tống Sang (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đậu ngành có điểm chuẩn cao nhất Đại học Bách khoa Hà Nội với 27,49 điểm.

Nhận giấy báo trúng tuyển từ trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cậu học trò miền biển Hà Tĩnh vui mừng thông báo với gia đình, thầy cô và bạn bè. Ngày 11/8 vừa rồi, Sang cùng anh trai đã ra làm thủ tục nhập học.

Mặc dù Sang đậu vào ngành "hot" nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng cả em và mẹ vẫn canh cánh nỗi lo không đủ chi phí để học tập.

Khi Sang nhập học, nhà trường có thông báo nộp 4 triệu đồng nhưng hiện gia đình cũng chưa có. Bà Hoàng (mẹ Sang) chia sẻ rằng ngoài số tiền này, còn phải vay mượn người thân thêm ít tiền để lúc Sang ra Hà Nội học còn trang trải tiền thuê trọ, ăn uống, đặc biệt là phải có máy tính cá nhân phục vụ việc học.

“Để nuôi được 3 anh em ăn học, mẹ đã phải rất vất vả. Em rất thương mẹ. Ra Hà Nội, em sẽ cố gắng học tập và tìm việc làm thêm để đỡ đần cho mẹ phần nào”, cậu học trò miền biển Nguyễn Tống Sang tâm sự.

Tác giả: Thanh Tùng

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP