Du lịch

Cảnh quan mới của đôi bờ sông Hương

Sông Hương được xem như là một phần thiết yếu làm nên cảnh quan, du lịch của mảnh đất Kinh kỳ, vì vậy, dòng sông Hương và cảnh quan hai bên bờ luôn được chú trọng đầu tư, chỉnh trang nhằm phát triển du lịch và kinh tế.

Cảnh quan xanh - sạch - sáng hai bên bờ sông Hương.

Sông Hương vốn đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi đồi. Dòng sông chầm chậm lướt qua các phố phường xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, mang theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Dòng sông xanh trong vắt chở những con thuyền xuôi ngược giữa dòng với điệu hò man mác, trầm tư.

Từ trước đến nay, sông Hương gắn bó mật thiết với với đời sống văn hoá của người Huế. Các hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống như nghe ca Huế trên sông, đua thuyền, thả đèn hoa đăng... vẫn được gìn giữ, bảo lưu khá nguyên vẹn. Một trong những phương thức quảng bá du lịch Huế không thể không kể đến việc du lịch trên dòng Hương để lặng ngắm quang cảnh thành phố.

Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án chỉnh trang không gian hai bên bờ sông nhằm tạo không gian xanh mới cho du khách cũng như người dân. Điểm nhấn của dự án này chính là hệ thống đường đi bộ, đèn chiếu sáng, các công viên, không gian công cộng hai bên bờ, từ đó giúp kết nối đường đi bộ cả bờ Nam và bờ Bắc của thành phố.

Đối với tuyến đường đi bộ bờ Nam, người dân và du khách có thể tham quan một số địa điểm hấp dẫn như: bến thuyền Tòa Khâm - cầu Trường Tiền - Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị - công viên Tứ Tượng - Bảo tàng Văn hóa Huế - Bảo tàng thêu XQ - Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng - Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - công viên Lý Tự Trọng - Trường THPT Quốc Học - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Học viện Âm nhạc Huế hay Nhà hát Sông Hương.

Tuyến đường đi bộ ở bờ Bắc người dân có thể tranh thủ tập luyện sức khỏe nhờ một số máy tập được trang bị dọc đường. Một số bạn trẻ còn có thể tranh thủ hóng mát, check in các điểm đến như: công viên Phú Xuân - di tích Nghinh Lương Đình - Phu Văn Lâu - công viên Thương Bạc - cầu Dã Viên,… Đây là điểm đến được đa số dân cư nội thành lựa chọn sau những buổi chiều làm việc, học tập căng thẳng.

Cảnh hoàng hôn buông xuống giữa dòng sông Hương

Trước đây khu vực bờ Bắc thường hiếm người đi lại, khu vực công viên, bãi cỏ trở thành điểm tối và thưa thớt dân cư. Từ khi dự án được đưa vào thực hiện cho đến nay đã được rất đông người dân ủng hộ và trở thành một trong những điểm vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho dân cư trong khu vực.

Anh Lê Văn Hoàng (Giáo viên, phường Vỹ Dạ, Huế) chia sẻ: “Lúc trước tôi cũng ít đi dạo, đi làm về chủ yếu ở nhà, xem thời sự. Gần đây trời nắng, lại thấy Huế mình có thêm đường đi bộ mới nên dẫn cả nhà đi thử. Thú thực cũng vừa giúp tránh nóng vừa giúp các con tham quan, có thêm môi trường vui chơi ở ngoài, rất là hay.”

Có thể thấy, con đường đi bộ bờ Bắc đã tạo nên một trục song song cùng đồng hành với tuyến đường đi bộ dọc bờ Nam sông Hương vô cùng ấn tượng. Đến nay, con đường đã trở thành điểm dừng chân lý thú cho nhiều người dân. Việc chỉnh trang cho không gian đôi bờ sông cũng đã dần hoàn thiện hết, con đường đã khoác lên mình bộ áo mới nhưng vẫn giữ được sự hài hòa vốn có khi nằm giữa những thảm cỏ xanh hai bên thường xuyên được chăm chút, cắt tỉa.

Chủ tịch UBND TP. Huế ông Hoàng Hải Minh cho biết, việc tiến hành chỉnh trang đôi bờ sông Hương là dự án trọng điểm của địa phương, trong đó bao gồm nhiều dự án thành phần và được thực hiện theo từng giai đoạn. Từ cuối năm 2019 đến nay, UBND TP Huế đã thực hiện chỉnh trang bờ Bắc sông Hương với kinh phí đầu tư khoảng 11 tỉ đồng, và đã xây dựng tuyến đường đi bộ ven sông phục vụ cộng đồng. Theo thông tin, dự án điện chiếu sáng với nguồn đầu tư 50 tỉ đồng cũng đang được UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để đi vào thực hiện.

Những chiếc thuyền rồng chở khách xuôi ngược giữa dòng Hương ngắm nhìn phong cảnh

Ngoài ra, không gian đôi bờ sông Hương còn được chủ tịch tỉnh đánh giá cao nhờ thảm hoa tươi mát ở bờ Nam. Trung tâm công viên cây xanh Huế đã huy động toàn bộ lực lượng trồng hoa khu vực trải dài từ số 5 Lê Lợi đến cầu ga phía sau Học viện Âm nhạc Huế. Đây là điểm vừa được thành phố giải phóng mặt bằng sau một quãng thời gian dài để hoang và người dân tận dụng trồng rau.

Hành động của UBND thành phố là quyết tâm triển khai trồng phủ toàn bộ diện tích của bờ sông với các loại hoa bốn mùa trên chiều dài bờ sông hơn 900 mét, tổng diện tích lên đến 2 ha. Việc làm này nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng "Huế - thành phố bốn mùa hoa" và xây dựng thành phố xanh - sạch - sáng do UBND tỉnh TT Huế phát động.

Có thể thấy, khách du lịch thường chỉ biết đến sông Hương qua những chuyến dạo chơi trên thuyền rồng và nghe ca Huế, hoặc đi xa hơn là từ trung tâm thành phố đến chùa Thiên Mụ. Nhưng việc đầu tư, chỉnh trang không gian đôi bờ sông đã giúp người dân và du khách có cơ hội tham quan kỹ hơn một số địa điểm du lịch kể trên. Mọi người sẽ cảm nhận được Huế từ một góc nhìn khác, đậm chất Huế hơn: nhẹ nhàng hơn, trầm tư hơn, bình dị hơn và sâu lắng hơn.

Điều này cũng góp phần kết nối dân cư, cộng đồng vào với thiên nhiên, du lịch, giúp Huế trở thành điểm đến lý tưởng của du khách bốn phương.

Tác giả: Hoàng Ngân

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP