Tin địa phương

Đà Nẵng tìm hướng đi mới tránh phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ

Trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả FTA đã ký nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm, phát triển thị trường mới, tránh phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ…

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Đà Nẵng

Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics Đà Nẵng vào ngày 18/4, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2024 của thành phố ước đạt 3.231 triệu USD. Đến nay, Đà Nẵng đã xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, một số nước có tỷ trọng xuất khẩu lớn như: Nhật Bản chiếm khoảng 35%; Hoa Kỳ khoảng 20%...

Theo bà Trâm, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, chiến tranh thương mại, lạm phát, các rào cản thuế quan và phi thuế quan gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu của TP. Đà Nẵng.

Đặc biệt, thời gian gần đây, việc Hoa Kỳ dự kiến áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nhiều mặt hàng chủ lực của Đà Nẵng đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi, việc tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu vẫn là một thách thức lớn.

Bà Trâm thông tin, Đà Nẵng có hơn 70 doanh nghiệp có quan hệ xuất nhập khẩu với Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của thành phố, chỉ sau Nhật Bản; kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố trong năm 2024. Nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lớn, chiếm từ 30-60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Ảnh: T.V.


Mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông tin của một số doanh nghiệp, khách hàng Mỹ vẫn yêu cầu tạm ngừng xuất hàng đối với các lô hàng chưa xuất xưởng; yêu cầu tạm dừng sản xuất, chưa thực hiện xuất hàng để quan sát thêm; tạm ngừng giao thêm đơn hàng mới hoặc chậm nhập hàng.

"Nhìn chung, chính sách thuế quan của Mỹ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm của người lao động; ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và dự kiến còn tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác như logistics, cảng biển và vận tải; các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, du lịch…", bà Trâm thông tin.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, với nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, chúng ta không tránh khỏi những ảnh hưởng trước các biến động khó lường của tình hình kinh tế thế giới; đặc biệt là việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới trong những ngày qua.

"Mặc dù Hoa Kỳ sau đó đã thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày nhưng những tác động về áp mức thuế mới cũng đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp thành phố", ông Cường nói.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2024 của TP. Đà Nẵng ước đạt 3.231 triệu USD. Ảnh: Cảng Đà Nẵng.


Tìm kiếm các thị trường mới

Nói về giải pháp thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu trong nước, tham gia, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung và đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó tạo được sự ổn định sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Cùng với đó, tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại ra nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử toàn cầu; tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng và các quy định xuất nhập khẩu của từng quốc gia.

Theo bà Trâm, thành phố cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đầu mối của Bộ Công Thương để kịp thời cập nhật thông tin đến doanh nghiệp về các quy định thuế quan, rào cản thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật từ thị trường Mỹ và các thị trường xuất khẩu trọng điểm để giúp doanh nghiệp xuất khẩu thích ứng với bối cảnh thị trường biến động.

"Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả FTA đã ký nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm, phát triển thị trường mới, tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ; bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường Halal trong thời gian tới...", bà Trâm cho hay.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu. Ảnh: T.V.


Còn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá hiện nay hoạt động xuất khẩu của Đà Nẵng vẫn đối mặt với không ít thách thức, như quy mô doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ, khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường quốc tế còn hạn chế; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu dưới dạng gia công, thiếu thương hiệu riêng.

Đặc biệt, mặc dù Việt Nam đã tham gia 16 FTA, nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định này của doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả Đà Nẵng, vẫn chưa đạt mức tối ưu, dư địa tận dụng còn rất lớn.

Ông Hải cho rằng, thành phố cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực xuất khẩu,đặc biệt tập trung vào nhóm doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu có tiềm năng nhưng thiếu kinh nghiệm tiếp cận thị trường nước ngoài.

Đặc biệt, TP. Đà Nẵng cần định hướng phát triển các nhóm ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng cao gắn với tiềm năng sẵn có và xu hướng thị trường. Cụ thể, trong ngắn hạn cần đẩy mạnh các ngành đã có nền tảng tại Đà Nẵng như sản phẩm phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, linh kiện điện tử lắp ráp; đồng thời kết nối với khu vực Quảng Nam để tận dụng chuỗi cung ứng ngành cơ khí chế tạo, điện - điện tử, gỗ chế biến...

Có nên dời Khu thương mại tự do Đà Nẵng vào Chu Lai?

Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết việc sáp nhập tỉnh là để mở rộng không gian phát triển cho các địa phương. Với Đà Nẵng, nếu sáp nhập thêm diện tích tỉnh Quảng Nam thì lợi thế rất lớn. Do đó, Đà Nẵng có thể xem xét những điều chỉnh về mặt hoạch định cho phát triển.

Ông Hải lấy ví dụ, khu thương mại tự do có nhất thiết phải đặt ở TP. Đà Nẵng hiện nay hay không?, hay là có thể đề xuất phát triển ở Quảng Nam, cụ thể là khu vực Chu Lai có cảng Chu Lai, sân bay Chu Lai, đó là khu vực có lợi thế rất tốt để phát triển logistics.

Theo ông Hải, khi thủ tướng chưa ban hành, chúng ta có thể điều chỉnh, bổ sung được. Có thể vẫn có một khu thương mại tự do trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay gắn với cảng biển Liên Chiểu, nhưng cũng có thể đề xuất khu thương mại tự do ở khu vực Chu Lai để tạo dư địa phát triển.

Tác giả: Thành Vân

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP