Kinh tế

Bộ trưởng Công Thương: Cần tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để dự trữ xăng dầu

Ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ, nhưng theo Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách.

Sáng 28/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu. Cơ quan giải trình là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Xử phạt doanh nghiệp là giải pháp tình thế

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu năm 2022, trước hiện tượng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm để trục lợi, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra để thanh tra đồng loạt và toàn diện hoạt động kinh doanh xăng dầu của 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu.

Bộ cũng đã ban hành 15 công điện, chỉ thị, thông báo kết luận và nhiều công văn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn và đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng, kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các tổng đại lý, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu…

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên giải trình (Ảnh: VM).

Đồng thời, tăng cường toàn bộ lực lượng thực hiện giám sát 24/24h ở tất cả các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện các cửa hàng ngừng hoạt động.

Lực lượng này cũng được yêu cầu làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp để xác minh, làm rõ nguyên nhân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ngừng bán trái quy định.

Kết quả cho thấy, trong năm 2022 và đầu năm 2023, đã giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước; thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ, với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng. “Tuy đây là giải pháp tình thế nhưng đã góp phần làm lành mạnh hóa thị trường xăng dầu trong nước”, Bộ trưởng Diên nói.

Khó có tiền để mua dự trữ

Về Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng nói rằng khó khăn chủ yếu hiện nay của nhà máy là vấn đề tài chính. Để xử lý khó khăn này, các bên tham gia góp vốn tại dự án, nhà máy và những ngân hàng tài trợ vốn đang tích cực đàm phán để thống nhất phương án tái cấu trúc tài chính phù hợp.

Bộ Công Thương đã tích cực triển khai xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu, 4 lần trình Thủ tướng phê duyệt. Trong phương án trình lần thứ 4 vào ngày 27/12/2022, đề xuất từ năm 2023 đến 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày; trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.

Để thực hiện phương án này, Bộ trưởng Diên cho hay ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Hiện ngân sách mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.

Để từng bước giải quyết khó khăn trên, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.

Tình trạng người dân xếp hàng dài để mua được xăng tại Hà Nội trong năm 2022 (Ảnh: Hữu Thắng).

Đối với việc thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, triển khai.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ trên đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do hiện nay Nhà nước chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện rất thấp, không phù hợp với thực tế.

“Bộ đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng không có đơn vị tham gia”, ông Diên nói.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công Thương đã báo cáo Thường trực Chính phủ và tổ chức họp với Bộ Tài chính để thống nhất giải pháp cho thời gian tới.

“Trước mắt, để công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia không bị gián đoạn, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước đây để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ trưởng cho hay.

Về việc rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng cho hay đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng về phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 và Nghị định 95.

Trong đó tập trung vào một số vấn đề như thời gian điều hành giá xăng dầu, quyền nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu (quy định về nguồn hàng, tỉ lệ chiết khấu tối thiểu…), công thức giá xăng dầu, phương thức điều hành giá xăng dầu.

Năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP