Tin địa phương

10 năm… sống trong nỗi ám ảnh ô nhiễm môi trường

Ngày 2/3/2018, UBND TP. Đà Nẵng đã ra thông báo chủ trương ngừng hoạt động 2 nhà máy thép Dana Ý - Dana Úc, tại thôn Vân Dương (Hòa Liên, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vì ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trước những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, ngày 26/3/2018, thành phố lại cho phép 2 nhà máy thép trên hoạt động thêm 6 tháng nữa, để có phương án di dời, ổn định sản xuất... Vấn đề này lại gây nhiều ý kiến thắc mắc từ phía người dân ở Vân Dương.

Những mái tôn các hộ dân trong thôn Vân Dương 2 đều nhanh chóng gỉ sét, hư hỏng do khói bụi hai nhà máy thép phủ xuống.

10 năm sống trong sợ hãi

Trở lại thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) những ngày cuối tháng 5/2018 này, chúng tôi vẫn nghe nhiều ý kiến tỏ ý “ngờ vực” của người dân: “Không biết hai nhà máy thép đó sẽ hoạt động 6 tháng, hay còn tiếp đến lúc nào. Người dân chúng tôi bất an lắm rồi...”.

Ông Phan Văn Thanh - người đã có thâm niên 17 năm làm Trưởng thôn Vân Dương 2, ba nhiệm kỳ là đại biểu HĐND xã Hòa Liên, nên ông nhớ từng ngày tháng, hiểu từng hộ dân ở thôn. Vào thời điểm sau năm 2000, cả thôn chỉ có 178 hộ dân, sau gần 20 năm qua, con em các gia đình trong thôn lấy vợ, gả chồng, rồi người địa phương khác tới sinh sống. Đến nay thôn đã có 436 hộ. 80% người dân, đời sống vẫn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.

Cũng thời điểm năm 2000 đó, thôn có 47,2 ha đất nông nghiệp, đến năm 2015, dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài triển khai thu hồi 8,25 ha, rồi dự án tái định cư bền vững thu hồi 5,7 ha. Tiếp đó, lại đến dự án Tái định cư Hòa Liên 6-7, quy hoạch 8,7 ha, người dân đã dừng sản xuất 3 vụ từ đó đến nay. Vậy là cả thôn chỉ còn 21 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Khi được hỏi về diện tích ruộng đất bị ô nhiễm bởi 2 nhà máy thép. Ông trưởng thôn nói với tôi: “Làm chi có chuyện đó, thực ra 2 nhà máy thép không xả thải ô nhiễm nguồn nước. Một số diện tích ruộng bị ô nhiễm là do cống nước thải từ khu Tái định cư Hòa Sơn, ảnh hưởng khoảng 6 ha ruộng vùng trũng thấp mà thôi”. Vấn đề ô nhiễm ở đây là ô nhiễm từ khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm mạch nước ngầm.

Kể từ năm 2006, khi 2 nhà máy thép đi vào hoạt động, hầu hết mái tôn các hộ gia đình trong thôn đều hư hỏng nhanh chóng, mỗi lần thay mới chỉ sử dụng được vài ba năm lại gỉ sét, hư hỏng. Nguyên nhân là do bụi khói mang nhiều tạp chất từ hai nhà máy thép phủ xuống. Mỗi khi nhà máy thép hoạt động, tiếng ồn làm rung chuyển cả khu vực.

Cũng theo vị trưởng thôn này, nguy hiểm nhất là nguồn nước ngầm đã ô nhiễm hoàn toàn, 100% giếng nước trong thôn không còn sử dụng được vì bốc mùi hôi thối, màu nước gỉ vàng. Rất may là mấy năm gần đây thôn đã được lắp đặt hệ thống nước máy, nếu không tình hình nước sinh hoạt sẽ rất gay go. Người dân lo sợ nhất là vấn đề sức khỏe, năm 2016, Sở Y Tế thành phố đã cho người dân khám sức khỏe toàn bộ, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả trả lời ?!. Hơn 10 năm nay, người dân thôn Vân Dương 2 luôn sống trong sợ hãi.

Cần nhanh chóng hỗ trợ để người dân thôn Vân Dương 2 cải tạo lại diện tích đất ruộng đã bỏ quy hoạch.


Sớm cải tạo diện tích đất bỏ hoang

Câu chuyện thành phố đã có chủ trương di dời nhà máy thép, không di dời các hộ dân thôn Vân Dương 2 nữa, nhưng nghe nói vẫn có một số hộ dân đòi được di dời đi nơi khác? Ông Thanh khẳng định luôn: “Đúng là có một số ý kiến như vậy thật, chiếm khoảng 10% số hộ dân trong thôn”.

Đây là một số hộ dân đã bán đất ruộng vườn trái phép, và một số người từ nơi khác đến mua đất, rồi dựng nhà trái phép. Tình trạng này bắt đầu xảy ra từ giữa năm 2017. Khi phát hiện, chính quyền, ban ngành chức năng xã, thôn đã xử lý nghiêm, yêu cầu tháo dỡ toàn bộ nhà xây dựng trái phép, tổng cộng có 20 trường hợp.

Ông Thanh cho biết, ngoài số trường hợp nêu trên, tất cả người dân đều muốn ổn định cuộc sống lâu dài trên mảnh đất đã sinh sống hàng trăm năm này. Người dân muốn ở lại vì muốn duy trì một cộng đồng dân cư lâu đời, gắn bó với những đình, miếu với những giá trị văn hóa, tâm linh đã in sâu vào tâm khảm mỗi con người nơi đây.

Được biết, hiện tại thôn Vân Dương 2 về cơ bản đã ổn định về mọi mặt: đường giao thông đã bê tông hóa, nhà cửa ổn định, gần chợ, gần ruộng, gần trạm y tế, có Trường Mẫu giáo khang trang. Hiện nay trong thôn chỉ còn 3 hộ xếp vào diện hộ nghèo. Nhiều ý kiến người dân cũng cho biết, nếu phải giải tỏa vào khu tái định cư mới, đời sống người dân sẽ rất khó khăn.

Bởi vì đời sống người dân ở thôn Vân Dương 2 đều phụ thuộc vào nông nghiệp. Một điều đáng lo ngại nữa, với diện tích mỗi hộ chỉ khoảng 200m2 đất ở và vườn như hiện nay, khi giải tỏa sẽ không thể đủ tiền làm nhà mới, chứ chưa nói đến chuyện nộp tiền đất tái định cư.

Ông Thanh cho biết, trong thời gian qua, nhiều ý kiến bà con trong thôn đã đề đạt: Thành phố đã có chủ trương cho người dân ở lại không di dời giải tỏa, trước hết cần triển khai chính sách cho người dân tách thửa đất đai cho con cái, tiến hành sửa chữa lại nhà cửa ổn định, vì đã nhiều năm nằm trong diện quy hoạch “treo”. Cần sớm có biện pháp, xem xét hỗ trợ cho người dân để cải tạo lại hơn 8 ha đất nông nghiệp đã quy hoạch, bỏ hoang hơn 2 năm qua, để người dân có diện tích đất sản xuất, ổn định đời sống.

Tác giả: Xuân Lam

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP