Từ Sa Pa, bạn đi theo đường Thác Bạc về hướng Ô Quy Hồ, rẽ phải theo đường vào Bản Khoang, qua Mường Hum rồi đến Y Tý. Bạn sẽ mất khoảng 3 đến 4 tiếng chạy xe máy cho cung đường chỉ 80 km này, vì đường khá dốc và hẹp. Trong hình là đường qua Mường Hum, với những thửa ruộng bậc thang và hồ thủy điện xanh ngắt.
Trò chơi “cảm giác mạnh” của trẻ em Mường Hum: dắt những chiếc xe tự chế lên đầu dốc, ngồi lên rồi lao xuống.
Con đường dẫn vào xã Y Tý.
Phía sau hàng rào đá là thung lũng với những ngôi nhà trình tường của bà con dân tộc Hà Nhì.
Những chiếc cối giã gạo bằng sức nước.
Khi hoàng hôn buông xuống, cả bản làng như bồng bềnh trên mây. Y Tý là vùng đất không dành cho những người ngủ nướng. Trải qua một đêm dài, cuộn mình trong chăn vì cái lạnh, buổi sáng, bạn phải thức dậy từ 5h, ăn sáng, khoác lên mình những lớp quần áo dày, và bắt đầu hành trình tìm mây.
Bạn sẽ phải vượt qua màn sương dày đặc, leo lên những con dốc khúc khuỷu trong cái lạnh cắt da.
... để rồi vỡ òa với khung cảnh trước mắt.
Con đường nhỏ dẫn thẳng xuống biển mây.
Xa xa, ngôi trường nội trú ẩn hiện.
Cảm giác như đứng cao hơn cả trời.
Sau khi ngắm mây, bạn đừng quên ghé ngôi trường trên mây của các em học sinh dân tộc thiểu số trên đường trở ra.
Nếu kịp thời gian, bạn có thể trở về thành phố Lào Cai theo cung đường khác, qua A Mú Sung, A Lù, Trịnh Tường. Cung này có chiều dài khoảng 100 km.
Ghé qua Lũng Pô, nơi biên thùy của Tổ quốc.
Lũng Pô cũng là nơi ghi dấu con sông Hồng bắt đầu chảy vào đất Việt. Bộ ảnh chụp ngày 3/3.
Không giống như cách đây 2-3 năm, hiện nay, Y Tý đã có nhiều nhà nghỉ với đầy đủ tiện nghi, phục vụ luôn những món ăn đặc sản vùng cao như cải mèo, thịt lợn, thịt trâu gác bếp… Có một điều lưu ý, khi đến thăm Y Tý, bạn cần chuẩn bị nhiều quần áo ấm và sức khỏe thật tốt, vì chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm ở đây có thể lên đến gần 20 độ C.
Tác giả bài viết: Cỏ Biếc