Sáng 14/11, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn "Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics TP. Đà Nẵng".
Cơ hội đón dòng vốn đầu tư trong nước và FDI
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, TP. Đà Nẵng với vị trí địa chính trị kinh tế và nhiều lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối liên vùng và khu vực; là một trong số ít địa phương có cả cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế và nằm trên các tuyến đường huyết mạch của quốc gia… giúp thành phố thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.
Và mới đây nhất là Nghị quyết số 136 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Ảnh: T.V. |
Trong đó, việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp, gồm nhiều khu chức năng (khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật) nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của TP. Đà Nẵng.
"Chính sách đặc thù này áp dụng cho TP. Đà Nẵng còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu và cả sân bay quốc tế Đà Nẵng, là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và FDI vào thành phố và vùng động lực miền Trung", ông Cường nói.
Ông cho biết thêm, thành phố đang khẩn trương phối hợp hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2024 sớm chính thức thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng để tận dụng hiệu quả thời gian thí điểm của chính sách.
Cảng biển Liên Chiểu. Ảnh: Thành Vân. |
Theo Phó Chủ tịch Đà Nẵng, trong giai đoạn đến, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Thành phố đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics, cảng cạn.
Ngoài ra, thành phố cũng đang nỗ lực nghiên cứu xây dựng, áp dụng có hiệu quả các chính sách, quy định về phát triển dịch vụ logistics; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển.
Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics TP. Đà Nẵng”. Ảnh: T.V. |
Cơ sở để thí điểm các chính sách mới
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại điện tử, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Đây là một ngành dịch vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm 2023, chỉ số hiệu quả logisticS (LPI) của Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm đạt 14 - 16%/năm, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thứ trưởng Hoài cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài. Ảnh: T.V. |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng đang nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng.
Mặc dù vậy, song ngành logistics còn bộc lộ những hạn chế như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chi phí cao, năng lực cạnh tranh hạn chế, liên kết với các ngành hàng xuất khẩu chưa chặt chẽ, thiếu nhân lực chất lượng cao...
Theo Thứ trưởng Hoài, ở khía cạnh khác, Việt Nam hiện đang tích cực nghiên cứu về các mô hình khu thương mại tự do trên thế giới. Đà Nẵng, một trong những thành phố phát triển năng động và hiện đại của Việt Nam, đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Vừa qua, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136 /2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; trong đó, việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng - là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
"Việc phát triển mô hình các khu thương mại tự do sẽ là cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu", Thứ trưởng nói.
Tác giả: THÀNH VÂN
Nguồn tin: nhadautu.vn