Trong khi các du khách khác đi xuống khá trật tự thì đoàn khách Trung Quốc chen nhau đi hết chiều ngang bậc tam cấp lên núi để viếng tượng Phật tại chùa Long Sơn - Ảnh: Duy Thanh
Gần trưa 20-2, một đoàn khách gần 50 người nói tiếng Trung Quốc xuống xe vào viếng chùa Long Sơn (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Đây là nơi thờ tự tôn nghiêm, cần giữ yên tĩnh và ăn mặc kín đáo, có biển báo rõ ràng nhưng nhiều người trong đoàn này vừa đi vừa trò chuyện, cười nói rổn rảng.
Mệt mỏi
Trong khi những khách khác đi theo hàng một để lên núi thắp hương nơi tượng Phật, nhiều du khách Trung Quốc chen nhau đi gần hết cả bậc tam cấp. Và dù đã có biển báo (bằng hình ảnh), một số cô gái, phụ nữ mặc quần short ăn mặc không phù hợp vẫn tiến vào chánh điện của ngôi chùa, nên đã bị các bảo vệ ở đây ngăn lại. Vừa quay đi, những vị khách này vừa đùa giỡn ầm ĩ khiến những người đi viếng chùa khác cảm thấy khó chịu.
“Không chỉ mệt mỏi vì phải luôn nhắc nhở số du khách này phải giữ yên tĩnh nơi tôn nghiêm, nhiều du khách sau khi uống nước dừa rồi vứt trái ngổn ngang ngay trước nơi thắp hương bên ngoài chánh điện thay vì đem bỏ vào thùng rác” - một bảo vệ tại đây nói.
Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Khánh Hòa, lượng du khách Trung Quốc đến Nha Trang tăng đột biến thời gian gần đây, hiện vượt cả lượng khách Nga vốn là thị trường khách ngoại số 1 của Nha Trang nhiều năm qua. Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực như lấp đầy số phòng trống tại nhiều khách sạn trên địa bàn trong mùa du lịch thấp điểm, chi tiêu nhiều..., lượng du khách Trung Quốc tăng đột biến cũng gây ra không ít phiền toái cho ngành du lịch và cuộc sống của người dân.
Anh Dương Nguyễn Ngọc Hoàng, một người dân Nha Trang, cho hay khi gia đình anh đến khu du lịch Hòn Tằm trong vịnh Nha Trang mùng 8 tháng giêng, nhiều khách Trung Quốc nói chuyện ồn ào, chen lấn mất trật tự... Đặc biệt, tại tiệc buffet vào buổi trưa, các du khách này chen lấn lấy thức ăn rồi giành chỗ ngồi của nhau, cãi vã ầm ĩ, thức ăn thừa bày la liệt trên bàn...
“Chứng kiến cảnh nhốn nháo ấy, hai vợ chồng du khách người Úc đứng cạnh tôi chỉ biết khoanh tay, lắc đầu ngao ngán” - anh Hoàng kể.
Chủ một khách sạn 3 sao ở đường Trần Phú cho hay nhiều khách Trung Quốc tại khách sạn này ăn sáng buffet xong còn lấy thức ăn bỏ vào bọc mang đi. “Vài ba người còn ra chợ mua hải sản tươi sống, mua than, mua chậu về rồi đến tối thì ngồi ngay trước cửa khách sạn nướng để... bán cho những du khách đồng hương” - vị này kể.
“Chủ nhà” tìm cách thích nghi
Bà Phan Thanh Trúc, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Khánh Hòa, khẳng định mọi du khách đến Nha Trang dù là quốc tịch nào cũng đều được đón tiếp, tôn trọng, đối xử như nhau.
Theo bà Trúc, du khách Trung Quốc đến Khánh Hòa chủ yếu đi theo đường hàng không, thường ở khách sạn cao cấp, mức chi tiêu cao. “Tuy nhiên, bên cạnh nhiều du khách Trung Quốc rất văn minh và lịch sự, có không ít du khách nước này ứng xử chưa tốt, gây phiền hà cho các du khách khác” - bà Trúc nói.
Do đó, bà Trúc cho biết Khánh Hòa đang nỗ lực tìm giải pháp để ứng xử thật phù hợp với phân khúc thị trường khách này nhằm vừa giữ vững sự phát triển của du lịch vừa đảm bảo nguyên tắc du khách nào cũng được tôn trọng, được bảo vệ quyền riêng tư, cảm thấy thoải mái nhất.
Sau giai đoạn lúng túng ban đầu, theo bà Trúc, các khách sạn, khu du lịch trên địa bàn cũng đã từng bước điều chỉnh để “thích nghi” với du khách Trung Quốc. Chẳng hạn, một số khách sạn đã khéo léo phân tầng, hành lang, khu vực ăn uống, giải trí, bố trí thang máy riêng và cử nhân viên hướng dẫn cho du khách Trung Quốc.
“Chúng tôi cũng luôn nhắc với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách Trung Quốc đến Nha Trang, Khánh Hòa là cần phải thông tin cho họ việc nào nên làm, việc nào không nên làm để họ biết mà ứng xử” - bà Trúc cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cũng khuyến cáo các khách sạn, khu du lịch trên địa bàn cần có những quy định chung theo thông lệ quốc tế về du lịch như ăn uống, trang phục, vệ sinh... dành cho mọi khách hàng. “Khi đã có những “luật” như thế, du khách nào cũng sẽ thấy có trách nhiệm với những hành vi của mình” - ông Thành khẳng định.
Một lãnh đạo của chi nhánh Vietnam Tourism tại Khánh Hòa, một trong những doanh nghiệp đưa du khách Trung Quốc đến Nha Trang, cho biết đã nghe một số thông tin về việc doanh nghiệp, người địa phương phàn nàn về thị trường du khách này. Tuy nhiên, vị này cho rằng trong hàng ngàn du khách cũng sẽ có một số người có hành động gây phiền hà, đôi khi do khác biệt trong văn hóa ứng xử, chứ không phải toàn bộ du khách Trung Quốc đều như thế.
“Chúng tôi cũng đã nhắc nhở du khách Trung Quốc đến Nha Trang nói riêng cũng như Việt Nam nói chung cần có những ứng xử phù hợp hơn. Phía Trung Quốc cũng có những động thái tích cực để tuyên truyền cho người dân khi ra nước ngoài không làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. Chúng tôi tin rằng sắp tới mọi việc sẽ tốt đẹp” - vị này cho biết.
Ồn ào nhưng chi bạo Thái Lan đã từng có lúc kêu trời vì cách hành xử kỳ quặc của du khách Trung Quốc như hong khô đồ lót trong đền chùa, đi vệ sinh ở chỗ công cộng, đá vào chuông chùa, rửa chân trong bồn rửa mặt ở nhà vệ sinh công cộng, ồn ào, không xếp hàng... Tuy nhiên, Thái Lan cũng thừa nhận rằng họ cần doanh thu từ lượng khách này bởi du lịch chiếm gần 10% nền kinh tế Thái Lan và du khách Trung Quốc là nhóm du khách nước ngoài lớn nhất đến nước này. Không những thế, Trung Quốc còn là đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan. Do đó, theo Bangkok Post, từ đầu năm 2015, Chính phủ Thái Lan đã phát hành hàng ngàn cuốn chỉ dẫn cách hành xử bằng tiếng Trung Quốc trong một nỗ lực đảm bảo du khách Trung Quốc có hành vi tốt, như không sờ lên các bức tranh, không đi vệ sinh bừa bãi ở nơi công cộng... Tại Nhật, theo Đài France Inter, người dân đẻ ra từ mới là bakugai, có nghĩa “bùng nổ mua sắm” để chỉ hiện tượng du khách Trung Quốc đổ xô sang đây mua sắm ào ạt theo những chuyến xe buýt chen cứng người. Du khách Trung Quốc được mô tả theo kiểu: mua tất cả, mua mọi lúc và mua rất nhanh! Do đó, dù cũng “đau đầu” với cách hành xử của không ít du khách Trung Quốc, nhưng Nhật vẫn khó lòng làm ngơ trước những vị du khách ồn ào nhưng bạo chi này trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, hơn nữa du khách Trung Quốc chiếm đến 1/4 số du khách vào Nhật năm 2015. Trong khi đó, theo Reuters, ngay cả chính phía Trung Quốc cũng bắt đầu có nhiều động thái để chấn chỉnh hành vi của công dân khi ra nước ngoài. Chẳng hạn, chính quyền Trung Quốc cho bêu tên những du khách có hành vi xấu, thậm chí liên hệ với các hãng hàng không để thực hiện việc cấm bay đối với những người này... Các đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài cũng phải phát đi thông báo nhắc nhở du khách nước mình có hành xử đúng đắn, tôn trọng luật pháp, quy định và thông tục địa phương... THU ANH - N.QUÂN |
Khách Trung Quốc vượt khách Nga Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2015 đã đón 180.000 lượt khách Trung Quốc, tăng khoảng 5,4 lần so với năm trước đó. Riêng tháng 1 năm nay, Khánh Hòa đã đón gần 27.500 lượt khách Trung Quốc, tăng hơn 5,6 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt qua lượng khách Nga (chưa đến 22.000 lượt khách). Đặc biệt, chỉ từ mùng 1 đến mùng 7 Tết Bính Thân, địa phương đã đón hơn 25.200 lượt khách Trung Quốc, chiếm gần 70% lượng khách quốc tế đến tỉnh này dịp tết. Đa dạng hóa nguồn du khách Ông Trần Sơn Hải - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết đã chỉ đạo Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa tổ chức họp thành viên, bàn bạc thống nhất những giải pháp tiếp đón làn sóng du khách Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ, đồng thời đảm bảo môi trường du lịch thân thiện với du khách của tất cả du khách trong và ngoài nước, kể du khách châu Âu, Mỹ và Úc chứ không quá tập trung vào một số đối tượng du khách nhất định. Trước đó, tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa, ông Hải cũng yêu cầu các khách sạn và khu du lịch cao cấp không được cạnh tranh bằng cách giảm giá để lôi kéo khách Trung Quốc, đồng thời chỉ đạo ngành du lịch tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư vào các thị trường Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Úc, Đông Á, Đông Nam Á… |
Tác giả bài viết: Duy Thanh