Oihan cùng chiếc xe đạp bên Ấn Độ - Ảnh do tác giả cung cấp
Hơn 10 năm làm kỹ sư thiết kế xe hơi bỗng dưng ngày 16-6-2013, Oihan Goni quyết định tạm dừng công việc thu nhập khá để đi vòng quanh thế giới.
Anh chán cuộc sống tẻ nhạt và công việc trong văn phòng nên muốn thay đổi hương vị cuộc sống.
Từ bỏ vòng tròn an toàn
Hành trang là một chiếc xe đạp cùng những vật dụng tối thiểu cần thiết cho một chuyến đi xa, khác nhiều so với một chuyến du lịch thông thường.
Xuất phát từ quê nhà San Sebastian (Tây Ban Nha), Oihan đã băng qua 29 quốc gia của châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương, với quãng đường dài tổng cộng 59.600km.
Một số nơi Oihan bắt buộc phải dùng các phương tiện giao thông như máy bay, thuyền, xe buýt để tiếp tục hành trình.
Chuyến đi xuyên qua 4 châu lục kéo dài 3 năm, anh vừa trở về nhà vào ngày 24-12-2015.
Người đàn ông bản lĩnh
Ba năm trời một mình rong ruổi cùng chiếc xe đạp, nhiều lần Oihan phải đối diện với nỗi cô đơn, đặc biệt là ở những ngọn núi hay trong sa mạc. Những lúc như vậy anh đều cố gắng giao tiếp với bất kỳ ai có thể gặp trên đường đi.
Còn ở những vùng miền đã qua Oihan kể mọi người đều rất thích thú khi nhìn thấy một người đi xe đạp và tới hỏi han. Tuy nhiên nhiều khi anh phát bực với sự tò mò của họ. Một vài nơi ở Ấn Độ thì phải vất vả để thoát khỏi sự bủa vây của những người dân tò mò.
Chuyến đi của Oihan không hề dễ dàng. Anh từng gặp tai nạn tại Hàn Quốc. Một người nông dân lớn tuổi tông vào anh khiến anh bị trầy xước da, chảy máu khá nhiều và bánh xe bị cong queo.
Tuy nhiên Oihan cảm thấy mình còn rất may mắn bởi anh từng chứng kiến những tai nạn thảm khốc chết người tại Ấn Độ như một người lái xe buýt, xe hơi bị thiệt mạng và một người đi xe máy bị gãy xương đùi.
Anh cố gắng đảm bảo an toàn ở mức tối đa khi tránh né các loại xe lớn, nhưng vài lần ở Ấn Độ và quốc lộ 1A ở Việt Nam khiến anh phải thót tim.
Nhưng nguy hiểm nhất là khi chạm trán phải những tay cảnh sát tha hóa ở sa mạc Atacama Peru và đồn cảnh sát bên Myanmar. Người cảnh sát Myanmar mà Oihan gặp khiến anh sợ phát khiếp khi cố gắng lấy đồ của anh và Oihan đã lo sợ bị giết trên cánh đồng lúa.
Oihan và các em bé Trung Quốc - Ảnh do tác giả cung cấp
Việt Nam trong mắt Oihan
Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn xa lạ đối với Oihan. Dù gặp những kẻ lừa lọc ở Hà Nội và TP.HCM nhưng anh nói anh biết đó không phải là tính cách con người Việt Nam. Từ Bắc đến Nam mọi người chào đón anh thân thiện và anh cảm thấy rất an toàn trên đất nước này.
Oihan nói dù đi từ Bắc tới Nam nhưng anh không nhìn thấy nhiều di sản văn hóa, ngoại trừ những di tích ở Huế, thánh địa Mỹ Sơn và một số đền đài. Anh so sánh với vô số di sản văn hóa bên Thái Lan nên rất mong muốn việc bảo tồn các di sản văn hóa cần được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nhiều hơn.
Dù đến Việt Nam lần đầu nhưng Oihan rất thích phong cảnh ở đất nước này vì chúng đa dạng và đẹp. Anh đặc biệt mê cảnh biển ở Quy Nhơn, Cát Bà. Nhưng đạp xe qua đồng bằng sông Mekong trong mùa hè thời tiết lại quá nóng đối với anh.
Anh ngạc nhiên thấy người Việt Nam rất cần cù, chịu thương chịu khó. Dân tộc này yêu chuộng hòa bình và họ đã tha thứ cho những kẻ xâm lược đất nước mình, thứ tha nhưng không hề quên lãng.
Anh nói nhất định sẽ trở lại Việt Nam vì đất nước này còn quá nhiều điều anh cần khám phá.
Oihan muốn gửi gắm lời nhắn đến với những người thích xê dịch nhưng vẫn đang còn phân vân: Hãy lên đường trải nghiệm cuộc sống theo cách riêng của mình.
Lều cắm trại của Oihan ở Ailen - Ảnh do tác giả cung cấp
Là người khá bảo thủ nên Oihan cho rằng chuyến đi của mình gặp chỉ 95% người tốt, những người đã giúp đỡ và cho anh ở nhờ. Tuy nhiên, anh cảm thấy mình có nghĩa vụ phải cho mọi người biết thế giới này đầy những con người hiền hậu, tốt bụng. |
Tác giả bài viết: Kim Ngân