Tác giả của những bộ sách chính là giáo viên
Tại Phần Lan, tác giả của những cuốn sách giáo khoa không ai khác chính là các giáo viên đứng lớp.
Quy trình viết sách thường bao gồm từ 2-8 thành viên.
Phần lớn trong số đó là những người có bề dày kinh nghiệm giảng dạy tại các trường trung học phổ thông.
Một điều thú vị, bất kì cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể tham gia viết sách nếu cảm thấy mình đủ khả năng. Tuy nhiên, tất cả đều phải dựa trên khung cơ bản của Chương trình quốc gia (bao gồm mục tiêu giáo dục tổng quát, quy định hoạt động tối thiểu của trường học,...).
Trong trường hợp giáo viên không phải là người trực tiếp giảng dạy môn học đó hoặc là giáo viên trung học phổ thông chuyên dạy độ tuổi từ 15 – 19 tuổi nhưng muốn viết sách cho học sinh Tiểu học sẽ buộc phải xuống các cơ sở trường để quan sát và theo dõi hoạt động học của các em.
“Việc để giáo viên đứng lớp là tác giả của sách giáo khoa rất hợp lý bởi họ chính là những người am hiểu tâm lý của học sinh nhất. Do vậy, họ biết học sinh cần gì chứ không phải là những giáo sư thiếu kinh nghiệm thực tế” – bà Eenariina Hämäläinen, chuyên gia của Trường ĐH Timepere (Phần Lan) khẳng định tại hội thảo "Sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực" diễn ra từ 16 đến 18/3 tại Hà Nội.
Mỗi chương sách sẽ có một bộ câu hỏi khác nhau với nhiều mức độ khuyến khích ty duy, lập luận và áp dụng kiến thức của học sinh. Ảnh: Thuý Nga. |
Sau khi bản thảo hoàn thành sẽ được gửi đến những bên liên quan như các giáo viên, chuyên gia, học giả, thậm chí là học sinh để được góp ý, phản biện. Việc các tác giả thu nhận ý kiến phản hồi của học sinh giúp kiểm nghiệm ví dụ đưa ra có thú vị hay vượt quá trình độ của các em hay không?
Đặc biệt, đối với những vấn đề mang tính chất đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong xã hội sẽ được đưa tới các tổ chức phi chính phủ để được cung cấp phản biện mang tính thực tiễn cao.
Trong một trao đổi với VietNamNet hồi tháng 8/2017, bà Irmeli Halinen – nguyên Giám đốc phát triển Chương trình giáo dục quốc gia (National CurriculumDevelopment) thuộc Uỷ ban giáo dục quốc gia Phần Lan cho biết, giáo viên cho dù là dạy ở cấp thấp cũng đều đạt bằng thạc sĩ và luôn được khuyến khích nâng cao trình độ. Kết quả là người giáo viên luôn phải tự đổi mới, nâng cao chính mình.
Vai trò của người viết sách là kích hoạt những đứa trẻ
Là một trong những người tham gia vào quá trình viết sách phục vụ cho chương trình cải cách mới tại Phần Lan, bà Eenariina Hämäläinen nhận định:
“Chúng tôi nhận thấy vấn đề cốt lõi mang tính chất dẫn đường cho học sinh chính là mục tiêu của việc học. Làm thế nào để thúc đẩy việc tham gia học tập của các em cũng là thách thức đặt ra cho người viết sách”.
Như vậy, khởi sự với một học sinh trong cuộc cải cách là làm cho học sinh đó thấy ý nghĩa của việc học.
Theo đó, vai trò của người viết sách chính là kích hoạt những đứa trẻ.
Bà Eenariina cho rằng, người viết sách không phải viết những gì họ có mà điểm bắt đầu là viết cho trẻ và vì trẻ.
Do vậy, người viết phải quan tâm đến những chuyện rất cụ thể trong đời sống của trẻ.
Đó là việc biết học sinh thích gì, hứng thú với điều gì, xu hướng hứng thú thế nào và thái độ ra sao trước các vấn đề?
Nói cách khác, người viết sách phải viết với tinh thần tôn trọng cuộc sống của trẻ và quan tâm đến đời sống của trẻ.
"Tranh và hình ảnh đều có ý nghĩa về khía cạnh sư phạm và khơi gợi tư duy" |
Ví dụ trong môn Tìm hiểu xã hội, các chủ đề có thể đi từ đơn giản đến phức tạp như cuộc sống gia đình, đời sống thường nhật,... Thậm chí, nội dung cũng có thể là những chủ đề phức tạp hơn như chủ đề dân chủ, nền kinh tế quốc dân,... Tuy nhiên tất cả đều phải gắn với vốn sống của trẻ và tuân thủ theo chương trình chuẩn quốc gia.
Là một giáo viên dạy Triết, bà Eenariina Hämäläinen rất vui mừng khi thấy chương trình Giáo dục Phần Lan đã đặt mục tiêu giáo dục học sinh khả năng tư duy, học tập để phản biện. “Ngày nay, chúng ta cần đặt trọng tâm vào việc học thế nào thay vì học cái gì” – bà chia sẻ.
Gợi ý đánh giá học sinh
Tại đất nước Phần Lan, việc đánh giá học sinh bằng điểm số chỉ dành cho học sinh lớp 8 (từ 13-14 tuổi trở lên).
Cách thức đánh giá học sinh tại đây rất đặc biệt, chủ yếu bằng cách trao đổi, thảo luận giữa giáo viên, học sinh và có văn bản đánh giá cặn kẽ.
Mục đích đánh giá học sinh theo bằng cách này nhằm phát triển kỹ năng siêu nhận thức, tức khả năng tự nhìn lại mình và tự đánh giá mình.
“Do đó, người viết sách cần phải suy nghĩ xem làm thế nào để đưa ra các gợi ý đánh giá học sinh. Đó không phải bằng việc đưa ra rất nhiều thông tin bắt học sinh phải nhận thức để giáo viên đánh giá. Việc đánh giá này liên quan đến đánh giá kết quả và toàn bộ quá trình học tập của học sinh” – bà Eenariina Hämäläinen cho biết.
Đó cũng là lý do tại sao trong lớp dạy Triết của bà không xuất hiện bài thi.
“Đối với môn học này học sinh thường sợ hãi vì phải động đến các khái niệm trừu tượng, phức tạp. Vì thế, bài tập đầu tiên ở lớp Triết của tôi là học sinh phải tự trả lời câu hỏi: “Tôi là ai?”
Sau mỗi buổi học, học sinh thường tự viết nhật ký. Bằng cách này, các em có thể tự đánh giá toàn bộ quá trình học của mình.
“Như vậy, sách giáo khoa không phải là tài liệu mang tính chất bắt buộc trong quá trình giảng dạy. Đó chỉ là phương tiện hỗ trợ giáo viên hoặc thậm chí giáo viên hoàn toàn có thể không sử dụng. Người thầy được tự do lựa chọn nội dung và sử dụng tích hợp các phương tiện khác, miễn nắm vững những điểm tựa căn bản và mục tiêu của giáo dục quốc gia” – vị chuyên gia của ĐH Timepere chia sẻ.
Từ ngày 16-18/3, tại Hà Nội diễn ra hội thảo "Sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức. Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Viện Bồi dưỡng giáo dục thuộc Trường Đại học Potsdam của Đức là GS. Bernd Meier và chuyên gia thuộc Đại học Timepere, Phần Lan là bà Eenariina Hämäläinen đã có những chia sẻ về vị trí, vai trò của sách giáo khoa trong việc phát triển năng lực của người học; các kinh nghiệm biên soạn câu hỏi và tổ chức hoạt động cho học sinh trong sách giáo khoa; cách thức kiểm tra, đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin trong sách;… Đây cũng là hoạt động trao đổi và học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc biên soạn sách nhằm thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. |
Tác giả: Thúy Nga
Nguồn tin: Báo VietNamNet