Bethaney Davies, nữ blogger du lịch người New Zealand, đến Việt Nam lần đầu tiên năm 2003, khi đó cô tròn 21 tuổi. Cô phải làm việc cật lực để dành tiền cho chuyến đi. Theo kế hoạch, cô dành 3 tuần nghỉ tại Việt Nam, sau đó là 3 tuần khám phá Thái Lan cùng một người bạn. Tuy nhiên, mọi việc không suôn sẻ như Bethaney trông đợi và sau 10 ngày cô đã bay thẳng từ Việt Nam về New Zealand.
Đối với Việt Nam, du khách nước ngoài có người ghét, người yêu. Ảnh: Flashpackerfamily
Chia sẻ về lý do khiến Bethaney mất hứng, cô nhắc đến nạn chèo kéo du khách. Trên đường đi, Bethaney lúc nào cũng gặp cảnh những người bán hàng chào mời xem phòng khách sạn, nghía qua thực đơn nhà hàng, ghé thăm một tiệm may hay đi một cuốc xe ôm qua vài con phố. Là khách du lịch chưa từng đến những nước đang phát triển, cô không chịu nổi cảnh này. Vì khó từ chối lời đề nghị của bất cứ ai khiến Bethaney tốn hàng giờ mỗi ngày để mắc kẹt tại những cửa hàng, đứng nói chuyện cả tiếng đồng hồ với những người chào hàng.
Tiếp đó, cùng với nạn chèo kéo, Bethaney phải chịu nạn "chặt chém". Cô không bao giờ thỏa thuận được giá hợp lý: tiền phòng nghỉ là 12 USD/ đêm bao giờ cũng bị tăng lên tới 15 USD (theo giá dịch vụ tại thời điểm đó), vé tàu giường nằm bị đổi thành vé tàu ghế cứng, hay ngay cả một món đồ lưu niệm chỉ chừng 10.000 đồng cũng có thể bị "hét" lên 10 USD. Vốn không có kinh nghiệm mặc cả, lại e ngại phải đôi co thương lượng, Bethaney cứ thế rút hầu bao nhiều hơn.
Cuối cùng, chuyến du lịch đầu tiên tới Việt Nam của cô cũng kém suôn sẻ vì người bạn đồng hành không ăn ý. Trong khi cô luôn là người lên kế hoạch cho chuyến đi, người bạn đồng hành lại không ngừng phàn nàn về những lịch trình và quyết định đó. Mọi chuyện nhỏ nhặt như quyết định gọi xe ôm hay đi bộ, tìm nơi ăn tối đều trở thành rắc rối không cần thiết. Cho dù cả cô và bạn mình đều phải đồng cam cộng khổ, chịu cảnh chèo kéo hay hét giá cùng nhau, song Bethaney vẫn gợi ý mọi người không nên du lịch quá lâu ngày cùng bạn bè. Cô cho rằng những chuyến du lịch dài ngày hợp với gia đình, anh chị em hoặc chồng con hơn.
Chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai
Năm 2008, Bethaney đã sống tại London một thời gian khá dài, cô cảm thấy cần đi xa sau khi chia tay với bạn trai. Cô xin nghỉ việc và lên kế hoạch tới châu Á. Một người bạn của cô quen biết với một phụ nữ tại Sài Gòn, cô ấy đã mở lời đưa Bethaney đi thăm thú thành phố trong vài ngày. Cô quyết định thử vận may lần nữa bởi cô cũng có cảm tình với nhiều điều tại đất nước hình chữ S từ khí hậu ấm áp, đồ ăn ngon, lịch sử đa dạng và thắng cảnh đẹp. Chuyến đi tiếp theo của Bethaney dài khoảng 30 ngày.
Một ngày vui vẻ với những người bạn tại Đồng Nai. Ảnh: flashpackerfamily
Tuần đầu tiên, Bethaney dừng chân tại Sài Gòn. Bethaney nghỉ tại khu nhà khách nơi cô bạn người Việt làm việc. Cô được dẫn tới Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, thưởng thức kem, đi dạo, gặp gỡ vài người bạn và chơi tại công viên nước. Kỷ niệm đẹp nhất là khi Bethaney được bạn chở bằng xe máy về nhà tại Đồng Nai. Cô ở lại một ngày với gia đình bạn, cùng tụ tập ăn uống, tán gẫu và chụp ảnh. Bethaney cảm thấy đó là khoảnh khắc thú vị khi hòa mình vào cuộc sống thường ngày của người dân địa phương.
Tiếp đó, Bethaney tới thăm nhiều vùng đất khác dọc từ Nam ra Bắc. Cô chia sẻ du khách có nhiều lựa chọn trong việc di chuyển, bởi dù đi tàu, xe khách hay ngay cả máy bay, chi phí đều rẻ.
Nhắc lại chuyện "chặt chém", Bethaney gợi ý du khách nên có cái nhìn thoáng hơn, để chấp nhận việc phải trả cao hơn giá thực không quá nhiều. Lời khuyên của cô là luôn mỉm cười khi trả giá và giữ bình tĩnh (trừ khi du khách phải trả 10 USD cho 500 m đi taxi). Với kinh nghiệm du lịch 4 nước Đông Nam Á sau chuyến du lịch đầu tiên tới Việt Nam, Bethaney giờ đã quá quen với việc mặc cả.
Chia sẻ thêm về chuyến đi, Bethaney bật mí rằng người dân địa phương luôn luôn tò mò về khách nước ngoài. Những đứa trẻ luôn bạo dạn bắt chuyện, cười khúc khích rồi chạy vù đi khi đang cố gắng luyện tập tiếng Anh. Bethaney giải thích nhiều khi du khách có cảm giác mình sắp bị ai đó lừa tiền, nhưng người dân đơn giản chỉ muốn chuyện trò và cười vui một chút. Cô đặc biệt ấn tượng với những người dân tộc thân thiện và vui vẻ bậc nhất cô từng gặp tại Sa Pa.
Món ăn chay ở Việt Nam được cô đánh giá là ngon tuyệt. Ảnh: flashpackerfamily
Bethaney rất mê đồ ăn Việt Nam bởi đồ ăn lúc nào cũng tươi ngon và hương vị thay đổi theo vùng miền dọc theo cả nước. Trong cả hai lần đến Việt Nam, Bethaney đều đang ăn chay song cô vẫn có rất nhiều lựa chọn trên bàn cơm. Cô cũng hào hứng khi nghĩ đến lần tới Việt Nam tiếp theo, khi cô có thể thưởng thức cả đồ mặn.
Cuối cùng, Bethaney không gợi ý du khách lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên nếu có ý định du lịch Đông Nam Á vì những khác biệt văn hóa. Song cô vẫn nghĩ ai cũng nên đến đất nước hình chữ S này một lần, rồi thêm nhiều lần nữa để hoàn toàn phải lòng Việt Nam.
Tác giả bài viết: Phạm Huyền