Món ba ba rang muối (ảnh: Hồng Khuyên).
Ba ba là loài động vật có họ hàng gần với rùa. Có điều, rùa thường sinh sôi và trú ngụ trên các cánh đồng hoang nhiều năn, lát; ba ba lại ưa sống ở sông, suối, ao đìa hơn. Ngày nay, ba ba trong tự nhiên gần như không còn. Do thịt loài vật này ngon, lại bổ dưỡng, nên trong dân gian đã có nhiều người, nhiều nhà nuôi ba ba làm kinh tế.
Tuy là động vật sống hoang dã, nhưng rất dễ nuôi trong ao, bể nhỏ. Sống dưới nước là chính, nhưng cũng lắm lúc ba ba rất cần sống trên cạn. Ba ba vừa bơi, vừa có thể bò, leo, hoặc vùi mình trong bùn cát, đặc biệt chúng có thể đào hang trú ẩn, đào khoét bờ ao chui ra ngoài.
Ba ba nhút nhát những lại hung dữ. Chúng thích sống nơi yên tĩnh, ít tiếng ồn, kín đáo. Khi thấy có tiếng động mạnh, có bóng người hay bóng súc vật đến gần, chúng lập tức nhảy xuống nước lẩn trốn. Ba ba phản ứng tự vệ bằng cách vươn cổ ra dài và cắn đau.
Dân gian miền Tây Nam Bộ nói chung và người Sóc Trăng thường bắt ba ba làm thịt và chế biến được nhiều thức ăn ngon. Phổ biến nhất là ba ba nấu cơm mẻ nhúng chuối ghém, ba ba nấu giả cầy, ba ba nấu cà ry, đặc biệt là ba ba rang muối.
Ba ba cắt lấy tiết rồi trụn vào nồi nước sôi để làm thịt. Cạo rửa sạch nhớt, tách mai và yếm ra, cắt miếng làm tư, làm tám. Nhiều người kĩ hơn, còn khử mùi tanh của loài vật này bằng cách rửa lại bằng rượu trắng. Dùng nồi đất rải lên lớp muối cục, xếp thịt ba ba đã ráo nước lên. Sả lặt, rửa sạch rồi xắt thành những sợi dài để phía trên thịt ba ba. Bắc nồi đất đã đậy kín nắp lên bếp lửa. Sức nóng sẽ làm cho muối khô và bắt đầu nổ lách tách và lớn dần. Đợi đến khi muối hết nổ mới dỡ nắp nồi ra.
Gắp những miếng ba ba vừa chín thơm lựng xếp ra đĩa. Những sợi sả cũng ngả màu vàng sậm được để xếp cùng thịt, vừa đẹp mắt vừa nhìn thấy ngon miệng.
Miếng ba ba rang muối chấm muối tiêu chanh, hoặc nước mắm pha chua ngọt, ăn kèm với những đọt rau rừng hái quanh vườn nhà. Món thịt ba ba rang muối không chỉ ngon miệng mà còn bồi bổ cho người thưởng thức.
Tác giả bài viết: Hồng Khuyên