Cá thòi lòi (hay còn được biết đến với cái tên cá lác ngoách) xuất hiện nhiều ở vùng bùn đất ngập mặn như Cần Giờ, Nhơn Trạch, Gò Công, Bạc Liêu, Cà Mau và vùng biển phía Bắc Ninh Bình.
Vài năm trước, cá thòi lòi không mấy được ưa chuộng nên chủ yếu người dân bắt để làm phong phú thêm cho mâm cơm gia đình. Loài cá này rất sạch, chỉ sống được trong tự nhiên, ăn tôm, còng, ba khía,… và ra khỏi hang khi có ánh nắng lên.
Loài cá có ngoại hình “xấu lạ”. |
Có lẽ, chẳng có loài nào sở hữu ngoại hình kỳ quái, khác thường và đáng sợ như cá thòi lòi. Đôi mắt nó lồi như mắt ếch, đục ngầu, nhô hẳn trên đỉnh đầu. Mình cá lấm chấm những đốm màu xanh dương, có con nổi lằn đen giữa hông, phần má bạnh ra trông khá dữ tợn.
Chúng có cấu tạo cơ thể khá đặc biệt, có thể thở bằng phổi và mang. Cũng nhờ thế mà loài cá này có khả năng hy hữu là chạy chảy, kiếm mồi trên cạn và… leo cây một cách điêu luyện. Mỗi khi muốn “đổi gió”, chúng lại vắt vẻo trên những cành đước, cành mắm, nhưng chỉ cần thấy người đến gần thì nhanh chóng nhảy xuống nước, lặn mất tăm.
Cá thòi lòi thường chọn nơi “hiểm” như các lùm cây, kẹt rễ rồi dùng miệng để đào hang trú ẩn. Hang của chúng có thể sâu đến 2m với nhiều ngóc ngách. Chúng cũng rất tinh ranh và nhanh nhẹn khi đào tới vài cái hang để dễ dàng trốn thoát khi bị kẻ thù tấn công.
Trên mình cá thòi lòi có đốm xanh và vằn đen. (Ảnh: danviet) |
Những người có kinh nghiệm cho rằng, muốn bắt được cá thòi lòi, trước hết phải học cách xác định hang cá. Hang cá thường có hình tròn, nếu nước xung quanh miệng hang bị đục thì chắn chắn hang có cá. Trong dân gian có nhiều cách để bắt cá thòi lòi như dùng cần câu để câu vào ban ngày và dùng đèn để soi cá vào ban đêm, đặt nò, thụt, chặn hang...
Nhưng đơn giản, phổ biến và dễ nhất là đặt xà di. Người ta dùng chừng chục miếng lá dừa nước thắt thành hình cái phễu với một đầu túm kín. Khi nước vừa rút, miệng hang thòi lòi lộ ra. Không cần mất nhiều công, họ chỉ việc đặt cái xà di vào và cứ thế, cá tự chui vào mà không thể quay đầu lại. Công việc còn lại là lật ngược xà di, đổ cá ra giỏ là xong.
Trái với vẻ gớm ghiếc bề ngoài, thịt cá thòi lòi rất mềm và thơm ngon. Thịt cá trắng như trứng gà bóc, không có xương, ruột, gan, trứng đều béo ngậy. Các món được làm từ cá thòi lòi rất phong phú như nướng chấm mắm, lột da kho tiêu, hấp cách thủy, cuốn bánh tráng rau sống, canh chua...
Món cá nướng thịt ngọt và chắc. |
Đơn giản và chế biến nhanh nhất là món cá thòi lòi xiên que tre nướng than. Cá thòi lòi đem về rửa sạch bùn rồi ướp muối ớt, lấy thanh trúc tươi xiên dọc con cá rồi gác lên bếp than hồng, trở đều tay. Bị đốt nóng, nước từ nhánh trúc tươi chảy ra thấm vào thịt cá nên giúp món ăn ngọt hơn. Chỉ một loáng là mùi thơm của cá lan tỏa trong không gian khiến ai cũng thấy thòm thèm.
Người sành ăn thường chọn cách ăn cá nướng với muối ớt hoặc nước mắm ngon. Có người lại thích phết lên da cá một ít mỡ nước hay dầu ăn trước khi nướng. Một điều lạ nữa là thịt loài cá này khi để nguội không tanh như một số cá khác. Thế nên nếu có thời gian, bạn cứ từ từ nhấm nháp, thưởng thức để “nghiện” lúc nào không biết.
Người miền Tây chế biến rất nhiều món ngon từ cá thòi lòi. |
Vì thuộc họ cá bống nên món cá thòi lòi được nhiều người thích vẫn là kho tiêu. Người biết nấu thường kết hợp cá với một ít tương, gừng xắt lát, một ít dầu ăn hay vài lát thịt heo ba rọi trong lúc ướp. Hâm đến lửa thứ hai, ba thì tinh dầu gừng, men của tương và chất béo của dầu (mỡ) cùng thấm đều vào từng thớ cá, khiến cá ửng màu hổ phách.
Sau mỗi lần người phụ nữ vượt cạn, người chồng ở miền sông nước thường kiếm cá thòi lòi về nấu để vợ mình mau lại sức bởi thịt cá ngon, nhiều nạc lại lành tính. Nhìn hình dáng cá thòi lòi bên ngoài chẳng ai ưa được, nhưng đây lại là món ăn thơm ngon khi qua bàn tay chế biến của người dân xứ miệt vườn.
Tác giả: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí