Giáo dục

Trường công, trường tư và rủi ro của con trẻ

Những rủi ro lớn nhất cho môi trường học tập của con cái hầu hết đến từ sự lựa chọn của mẹ cha, khi họ gửi con vào những ngôi trường mà chi phí vượt quá khả năng chi trả lâu dài của bản thân, và không cần bất cứ một cam kết pháp lý nào.

Câu chuyện ầm ĩ về chuyện tăng học phí mấy hôm nay thực sự có rất nhiều điểm thú vị, nên dù thuộc thành phần không có tiền cho con học trường tư, tôi vẫn muốn nói đến nó.

Ảnh minh họa Zing.vn

Về bản chất, việc mở trường tư là một hình thức kinh doanh dịch vụ giáo dục. Người ta có thể tuyên bố ngôi trường đó hoạt động trên nguyên tắc vì lợi nhuận, phi lợi nhuận, hay không vì lợi nhuận… Nhưng khi nó chỉ là tuyên bố mà không có bất cứ ràng buộc pháp lý nào thì việc tin hay không là quyền ở người nghe. Mỗi người sinh ra ở trên đời đều có quyền được khôn ngoan hay khờ khạo trong khuôn khổ của luật pháp.

Vì bản chất kinh doanh nên trường tư là người bán hàng, phụ huynh học sinh là người mua hàng, trên cơ sở thuận mua, vừa bán, không ai ép buộc ai. Bên bán có thể tăng giá dịch vụ để phù hợp với phương án kinh doanh, bên mua có thể từ chối, hoặc tiếp tục sử dụng dịch vụ theo khả năng và nhu cầu.

Quan hệ giữa bên bán và bên mua thông thường được đảm bảo bằng những cam kết có giá trị pháp lý. Trong trường hợp không có những cam kết pháp lý thì hai bên đều phải chấp nhận rủi ro. Đương nhiên, rủi ro về phía phụ huynh là nghiêm trọng hơn, vì họ đã lựa chọn để con cái phải cùng chịu đựng những rủi ro đó.

Hầu hết các trường tư ở Việt Nam không có các cam kết pháp lý với phụ huynh học sinh bằng hợp đồng cung cấp dịch vụ. Vì không có hợp đồng, nên tất cả các cam kết pháp lý trong quan hệ giữa học sinh và nhà trường hiện nay đều chỉ được thể hiện trong Luật giáo dục, mà các quy định hiện hành đều chủ yếu tập trung điều chỉnh các vấn đề của hệ thống giáo dục công. Về lý thuyết, chọn trường công cho con là một lựa chọn có ít rủi ro nhất, vì các cam kết được đảm bảo bởi luật pháp.

Nhưng có rất nhiều lý do để người ta chấp nhận sự rủi ro cho con em mình khi lựa chọn trường tư. Từ góc độ của bản thân, tôi cũng muốn cho con học trường tư, nếu có đủ điều kiện. Nhưng khi không có đủ điều kiện, việc cho con học trường công là một lựa chọn ít rủi ro hơn.

Tôi muốn con học trường tư để bọn trẻ được hưởng các điều kiện vật chất tốt hơn trường công. Song, để có đủ tiền cho con học trường tư, tôi sẽ phải làm việc gấp đôi. Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian để tôi có thể gần gũi, chăm sóc, thậm chí là vui chơi cùng bọn trẻ sẽ không còn. Tôi cho rằng những việc đó cần thiết, và có giá trị hơn là những điều kiện vật chất mà trường tư có thể mang lại cho bọn trẻ.

Tôi cũng muốn cho con mình học trường tư vì chúng sẽ không phải đi học thêm (nghe người ta bảo thế). Song ở trường công, nếu thực sự không muốn thì chẳng ai có thể bắt con mình phải đi học thêm. Tôi hoàn toàn có thể (và thực tế tôi đã chọn) nói với cô giáo là con tôi không có nhu cầu trở thành một học sinh giỏi hơn khả năng của nó, và đề nghị cô giáo không bắt con phải tham gia bất cứ cuộc thi học sinh giỏi nào.

Với chi phí học trường công, với số tiền tiết kiệm được so với học trường tư, tôi có thể cho con mình đi dã ngoại, học các môn ngoại khoá có chất lượng tốt hơn rất nhiều so với những thứ mà trường tư mang lại. Tôi nghĩ, đó là một lựa chọn hợp lý dành cho những gia đình không thực sự dư dả.

Chúng ta ai cũng muốn cho con cái của mình có được điều kiện giáo dục tốt nhất. Đó là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, điều kiện giáo dục tốt nhất chính là môi trường học tập có ít rủi ro nhất. Trớ trêu thay, những rủi ro lớn nhất cho môi trường học tập của con cái hầu hết đến từ sự lựa chọn của mẹ cha, khi họ gửi con vào những ngôi trường mà chi phí vượt quá khả năng chi trả lâu dài của bản thân, và không cần bất cứ một cam kết pháp lý nào.

Tác giả: Phạm Trung Tuyến

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: tăng học phí , học phí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP