Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: AFP. |
Mỹ ngày 25/3 ra lệnh trục xuất 60 người bị cho là nhân viên tình báo Nga làm việc tại Mỹ dưới vỏ bọc ngoại giao. Trong những ngày trước khi Trump ra quyết định, ít người cả trong và ngoài chính quyền Trump đoán được chính xác Tổng thống sẽ làm gì, theo Washington Post.
Các quan chức tình báo Mỹ, những người muốn đẩy mạnh việc xóa mạng lưới gián điệp của Moscow tại nước mình, tin rằng Tổng thống có thể sẽ không đồng ý đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Seattle. Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu, Trump cho biết Mỹ không quan tâm đến việc trục xuất gián điệp để phản ứng trước vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh, nếu các nước khác không có động thái tương tự.
Sergei Skripal và con gái bị tấn công bằng chất độc thần kinh tại một bãi đỗ xe ở Salisbury, Anh ngày 4/3. Skripal từng bị Nga buộc tội phản quốc sau khi bị phát hiện làm gián điệp hai mang cho cả Nga và Anh. Ông này sau đó sang Anh định cư nhờ một chương trình trao đổi gián điệp. Cựu điệp viên đang trong tình trạng nguy kịch còn sức khỏe của con gái đã được cải thiện.
Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc. Họ đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và kêu gọi các nước khác có động thái tương tự. Các đồng minh và cộng đồng tình báo Mỹ đã tích cực thúc giục Trump đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Ngay sau vụ tấn công, Fiona Hill, giám đốc cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia, bắt đầu các cuộc họp điều phối chính sách dẫn đến một cuộc họp vào ngày 23/3 có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, Giám đốc FBI Christopher A. Wray và Giám đốc Tình báo Quốc gia Daniel Coats.
Nhóm an ninh quốc gia của Trump ngày 23/3 đưa ra cho ông ba sự lựa chọn theo ba cấp độ: nhẹ, trung bình và nặng. Theo hai quan chức giấu tên, phương án nhẹ là trục xuất khoảng 30 người trong khi giữ nguyên hoạt động của lãnh sự quán Nga ở Seattle. Phương án trung bình là trục xuất 48 nhân viên tại đại sứ quán ở Washington, 12 người tại phái đoàn Liên Hợp Quốc ở New York và đóng cửa lãnh sự quán ở Seattle.
Các quan chức kể lại những lập luận được nêu trong cuộc họp. "Nếu sử dụng phương án nặng thì khi người Nga trả đũa, chúng ta sẽ bị giới hạn về những gì có thể làm sau đó", quan chức nói. "Với phương án trung bình, chúng ta sẽ tung ra một cú đấm mạnh và sau có vẫn có đà để tung thêm một cú nữa. Tổng thống đã bị thuyết phục bởi phương án đó".
Các quan chức Mỹ từ chối nói cụ thể phương án nặng là gì. Tuy nhiên, một quan chức nhấn mạnh rằng cơ quan phản gián Mỹ phát hiện còn hơn 40 điệp viên Nga đang hoạt động tại Mỹ chưa nằm trong diện bị trục xuất.
Khi lập trường của Nhà Trắng đã rõ ràng, McMaster và các quan chức trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan đã gọi điện cho các lãnh đạo nước ngoài để thông báo. Quyết định của Trump đã khiến nhiều đồng minh bất ngờ.
"Chúng tôi đã nhận được tín hiệu rằng Mỹ sẽ ra quyết định trục xuất nhân viên Nga, nhưng số lượng làm chúng tôi ngạc nhiên. Con số rất cao", một quan chức cao cấp châu Âu tại Washington cho biết.
Các đồng minh của Mỹ trong năm qua đã bối rối về sự không rõ ràng của Trump trong chính sách đối với Nga. Mặc dù Trump miễn cưỡng chỉ trích Putin và từng có những phát ngôn tích cực về Nga, Trump đã nhiều lần đưa ra hành động mạnh mẽ chống lại Nga theo tư vấn từ các trợ lý hàng đầu.
"Chính quyền Trump đã thực hiện những biện pháp mà chính quyền Obama không sẵn sàng làm, chẳng hạn như cung cấp tên lửa chống tăng cho Ukraine. Tổng thống có thể không thích điều đó nhưng ông ấy sẵn sàng nghe theo các cố vấn", John Herbst, một học giả về Nga tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói.
Nga ngày 29/3 đáp trả Mỹ bằng việc trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ. Hiện không rõ liệu sau đòn đáp trả của Nga, Mỹ có còn động thái nào khác hay không. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert ngày 29/3 cho biết Mỹ đang "xem xét chi tiết về hành động của Nga" và có quyền phản ứng trước "bất kỳ cuộc trả đũa nào của Nga chống lại Mỹ".
Tác giả: Phương Vũ
Nguồn tin: Báo VnExpress