Không bị chặt chém nhưng mất đủ thứ phí dịch vụ
Sau một tuần khai hội chùa Hương Tích, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) dự kiến đã có hàng vạn du khách về đây tham quan. Năm nay, Ban quản lý chùa đã phối hợp với lực lượng công an huyện và chính quyền các cấp để triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự cho du khách về lễ chùa ngày từ đầu năm. Vì thế nhiều tệ nạn đã được giảm thiểu đáng kể. Thế nhưng, trong quá trình vẫn còn nhiều vấn đề khiến du khách phàn nàn.
“Tôi từng đến chùa cách đây mấy năm trước và bị “chém” từ cổng lên đến đỉnh chùa: 20.000 đồng cho 1 lần gửi xe, 30.000 đồng cho một chai nước… Năm nay mới sắp xếp đưa vợ con đi lại, thấy rằng đã không còn việc mất trật tự như trước nhưng lại nảy sinh nhiều phí quá, đi đâu cũng mất tiền”, anh Nguyễn Cảnh Vinh, trú tại TP. Vinh (Nghệ An) cho biết.
Hàng vạn du khách nô nức về chùa Hương Tích trẩy hội.
“Đơn cử như: gửi xe 10.000 đồng/xe, vé vào cổng theo quy định 20.000 đồng/người, đi xe máy lên khu vực cáp treo 100.000 đồng/xe,… Đặc biệt là ngồi nghỉ ở lán trại, quầy hàng 10.000 đồng/người. Gia đình tôi đi lên được chùa mà phải trả bao nhiêu loại phí. Mặc dù biết là dịch vụ thích thì dùng, không thích thì thôi nhưng đi chùa mà bị như thế vẫn có cảm giác ấm ức”, anh Vinh nói.
Bên cạnh đó, cảnh buôn bán hàng quán với đủ loại hàng hóa, thức ăn, đồ uống khắp nơi, mất mỹ quan, tạo nên hình ảnh phản cảm trước cổng chùa. Hơn nữa, việc chèo kéo, cãi vã vì giá cả, cò cưa khách hàng gây nên tình trạng lộn xộn nơi chốn linh thiêng.
Hàng quán bày bán tràn lan, mất mỹ quan trên đường lên chùa.
“Chúng em là sinh viên, ngày đầu năm rủ nhau đi chùa nên đã cố gắng giảm thiểu các chi phí phát sinh bằng cách đưa đồ ăn, thức uống, và đi bộ lên chùa. Thế mà cũng mất bao nhiêu tiền dịch vụ. Nhất là việc khi leo lên chùa mệt, dừng chân nghỉ ở một lán bên đường thì thấy chủ lán ra xin 10.000 đồng/người, trong khi không hề có bảng ghi giá. Dù bức xúc nhưng chúng em vẫn phải trả cho xong chuyện. Nếu biết trước thì chúng em đâu dám ngồi”, bạn Nguyễn Thị Hằng, sinh viên Đại học Vinh cho biết.
Ngoài ra, các mặt hàng lưu niệm, bánh kẹo, đồ ăn,… cũng cao gấp 3 lần so với bình thường. Một chai nước giá 10.000 đồng thì ở đây bán với giá 30.000 đồng, một chiếc vòng tay giá 15.000 đồng thì được các chủ hàng “hét giá” 40.000 đồng,… Rất ít các quán niêm yết giá mà bán theo kiểu tùy hứng, không có tổ chức và quy định cụ thể.
Ăn xin giảm nhưng vẫn còn, rác thải vứt bừa bãi trên đường…
Điều đầu tiên có thể dễ dàng nhận thấy khi đi lên chùa là quá nhiều rác thải, nhiều du khách vô ý thức đã vô tư vứt đồ ăn, thức uống, bao nilong suốt dọc đường đi. Hơn nữa, trên các cung đường du khách cũng rất ít khi thấy có thùng rác, vì thế khi có đống rác bên đường thì nhiều người cũng “tiện tay” ném đồ theo. Nhiều đoạn có những đống rác để lâu ngày, nắng nóng đã khiến rác bốc mùi hôi thối khiến du khách rất khó chịu.
Rác thải ngập đường lên chùa Hương Tích.
Năm nay, không còn cảnh người ăn xin chèo kéo du khách, đó là nhờ có sự tham gia của các lực lượng công an nên công tác đảm bảo an ninh trật tự được tốt hơn. Tuy nhiên, rải rác vẫn có vài người ngồi bên đường ăn mặc rách rưới ngả mũ cầu xin sự bố thí của người vãn chùa.
Những người này ngồi cách xa khu vực cổng để tránh lực lượng bảo vệ và lập tức đi chỗ khác nếu bị phát hiện. Vào đầu năm, với tâm lý thương người nên rất đông du khách đã cho tiền.
Một điều nữa khiến các du khách phiền lòng, đấy chính là quá nhiều “thầy” làm lễ. Vừa bước vào chính điện đã có vài ba thầy cúng thuê, khấn thuê đến hỏi, hướng dẫn cách làm lễ rât nhiệt tình, chỉ cần nhận được sự đồng ý thì các “thầy” sẽ phục vụ “từ A đến Z”. Chính vì thế khu vực thắp hương luôn xảy ra tình trạng lộn xộn, chen lấn nhau để được dâng lễ.
Đông đảo người dân sờ "hổ thần" để cầu sức khỏe trong năm mới.
Một địa điểm luôn thu hút đông đảo khách tới chùa là nơi thờ “hổ thần”. Với mong muốn khỏe mạnh, các du khách thường đặt lễ cúng bái, bôi dầu gió, dầu phật linh lên “hổ thần” để về sử dụng. Đồng thời tranh nhau xoa đầu tượng hổ để cầu may mắn. Do khu vực này nhỏ, hẹp nên không tránh khỏi việc chen lấn, xô đẩy, ai cũng muốn chạm vào “hổ thần” mới thỏa mãn đi về.
Ngoài ra việc thắp hương vô tội vạ đã khiến cho toàn bộ chùa bao trùm bởi khói hương cay xè mắt. Dù BQL đã nhắc các du khách chỉ nên thắp một nén hương nhưng rất nhiều người vẫn đốt cả bó với suy nghĩ thần linh sẽ phù hộ nhiều hơn. Điều này đã khiến cho lư hương nhiều lần bốc cháy vì thắp quá nhiều, gây nên nguy cơ hỏa hoạn.
Tình trang thắp hương bừa bãi đã khiến cho chùa ngập khói mù mịt.
Trao đổi về điều này, ông Nguyễn Duy Vỵ, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Hương Tích cho biết, mặc dù liên tục xử lý các trường hợp vi phạm nhưng do thời gian nghỉ lễ dài, du khách đến chùa ngày càng đông, mà lực lượng bảo vệ mỏng phải dàn trải trên địa bàn rộng nên đã để xảy ra một số sự việc như trên.
Sắp tới Ban Quản lý di tích chùa Hương Tích sẽ đề xuất cấp trên đưa ra những giải pháp nhằm chấm dứt thực trạng này và chấn chỉnh những tình trạng không tốt, trả lại sự bình yên trước chốn linh thiêng.
Tác giả bài viết: Văn Tấn