Tin địa phương

Tiến độ đầu tư 3 khu công nghiệp mới tại Đà Nẵng ì ạch, vì sao?

NhàđầutưTại cuộc họp báo quý III/2023, ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng thừa nhận, việc triển khai đầu tư các khu công nghiệp mới trên địa bàn gồm KCN Hoà Cầm - giai đoạn 2, KCN Hoà Ninh và KCN Hoà Nhơn vẫn còn chậm.

Triển khai 3 KCN mới gặp nhiều vướng mắc

Ông Lê Minh Tường cho biết, đối với tình hình đầu tư KCN Hòa Nhơn, hiện diện tích KCN này bị điều chỉnh giảm từ 360ha xuống còn 237ha (do chia tách để hình thành cụm công nghiệp Hòa Nhơn).

Qua rà soát, tại địa điểm thực hiện dự án, có 2 đồ án bị trùng lắp về mặt khối lượng, đó là: Đồ án quy hoạch phân khu Trung tâm lõi xanh (Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng chủ trì) và Đồ án quy hoạch phân khu KCN Hoà Nhơn (Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) và các KCN chủ trì).

Sau khi có quy hoạch điều chỉnh được duyệt, UBND thành phố sẽ chỉ đạo Ban Quản lý Khu CNC và các KCN tìm hiểu kêu gọi nhà đầu tư tiềm năng để hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, trình Bộ KH&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định.

Ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng. Ảnh: T.V.

Đối với tình hình đầu tư KCN Hoà Cầm - giai đoạn 2, ông Tường cho rằng, dự án đã được Thủ trướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư. Thủ tướng cũng giao UBND TP. Đà Nẵng tổ chức xây dựng phương án và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư, đất đai và pháp luật có liên quan khác.

Sau khi hoàn tất các thủ tục mời và đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án. UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định phê duyệt hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi.

Hiện Ban quản lý Khu CNC và các KCN đang thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu để hỗ trợ thực hiện các bước lựa chọn nhà đầu tư (Lập, trình, phê duyệt hồ sơ mời thầu, tổ chức mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu...).

Ông Tường cho biết, nguyên nhân chậm là do dự án có quy mô lớn, tính chất đặc thù, phức tạp (tổng vốn đầu tư hơn 2.246 tỷ đồng). Việc lựa chọn nhà đầu tư phức tạp, các Bộ, ngành không có quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà đầu tư đối với loại hình dự án này nên việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở thành phố tự xây dựng quy trình và vận dụng các quy định của pháp luật về đấu thầu để thực hiện.

Ngoài ra, khi thực hiện các thủ tục mời, đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án (để xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư), xây dựng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, các đơn vị liên quan liên tục gặp nhiều vướng mắc và phải mất nhiều thời gian để tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành hướng dẫn thực hiện; mất thời gian để giải quyết triệt để những bất cập về cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo dự án được triển khai theo đúng quy định.

Đối với KCN Hòa Ninh, dự án này gặp vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đến ngày 9/8/2023, Sở NN&PTNT thành phố có công văn báo cáo UBND thành phố liên quan chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại KCN Hoà Ninh, theo đó dự án có hơn 43ha diện tích rừng trồng được quy hoạch là rừng sản xuất.

9 tháng 2023, Đà Nẵng thu hút hơn 172,462 triệu USD vốn FDI. Ảnh: T.V.

Vốn đầu tư tăng mạnh

UBND TP. Đà Nẵng cho biết, về thu hút đầu tư trong nước, tính đến ngày 30/9, thành phố đã cấp mới và điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 41.860 tỷ đồng.

Trong đó, cấp mới cho 21 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 7.514 tỷ đồng (có 12 dự án trong khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư hơn 1.216 tỷ đồng và 9 dự án đầu tư ngoài KCN, tổng vốn đầu tư hơn 6.298 tỷ đồng) và điều chỉnh tăng vốn cho 12 dự án với tổng vốn tăng thêm hơn 34.345 tỷ đồng.

Cùng với đó, TP. Đà Nẵng đã thu hút hơn 172,462 triệu USD vốn FDI, trong đó cấp mới 88 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký đạt 149,1 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 29 lượt dự án, tổng vốn tăng thêm 20,2 triệu USD và 29 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng giá trị 3,202 triệu.

Từ đó cho thấy, số dự án cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư 9 tháng cao hơn so với cùng kỳ 2022 do tình hình dịch bệnh ổn định, nhà đầu tư quay trở lại song số vốn đầu tư không tăng nhiều, chủ yếu các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 768 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 210.585 tỷ đồng (trong đó, có 368 dự án ngoài KCN, tổng vốn đầu tư đăng ký 178.571 tỷ đồng; 400 dự án đầu tư trong KCN, tổng vốn đầu tư đăng ký 32.014 tỷ đồng).

Và 1.015 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD; 38.768 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 249.681 tỷ đồng.

Tác giả: THÀNH VÂN

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP