Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Điểm mới trong bồi dưỡng giáo viên là không có F1, F2

Điểm mới trong bồi dưỡng GV cho chương trình GD phổ thông mới là không có F1, F2. Trước đây bồi dưỡng cán bộ là GV ở cấp trung ương rồi chuyển giao cấp cơ sở. Mỗi lần chuyển giao lại "rơi" một ít.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị sơ kết bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý (GV, CBQL) cơ sở giáo dục phổ thông năm 2020 và kế hoạch năm 2021 diễn ra tại Đà Nẵng trong ngày 23/4.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị diễn ra tại Đà Nẵng ngày 23/4.

Một trong các mục tiêu trọng tâm của Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là chương trình ETEP) là phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ GV và CBLQ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Độ cho biết, điểm mới trong bồi dưỡng thực hiện chương trình GD phổ thông 2018 là không có F1, F2. Trước đây bồi dưỡng cán bộ là GV ở cấp trung ương rồi chuyển giao cấp cơ sở. Cứ mỗi lần chuyển giao lại "rơi" một ít. Ở đây, dù là GV cốt cán hay GV đại trà đều được nghiên cứu một tài liệu như nhau.

Trước kia là bồi dưỡng theo đợt, còn chương trình lần này bồi dưỡng GV thường xuyên, liên tục, tại chỗ, có sự hỗ trợ của CNTT, kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Đặc biệt là có sự hỗ trợ của GV cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đánh giá thực tế triển khai việc bồi dưỡng GV theo công thức 5-3-7 cho thấy có hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, theo công thức này, GV có 5 ngày để nghiên cứu tài liệu; 3 ngày để gặp trực tiếp các chuyên gia, những giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường ĐH Sư phạm được chọn tập huấn GV. Sau đó, GV có 7 ngày tự nghiên cứu, tự học, tự làm và có bài kiểm tra cuối khóa để đánh giá kết quả.

Đáng ghi nhận, trong năm 2020, mặc dù ảnh hưởng đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho công tác tổ chức bồi dưỡng và sắp xếp thời gian của các học viên, chương trình ETEP vẫn hoàn thành mục tiêu đề ra đối với bồi dưỡng các modun 2, 3 cho đội ngũ GV và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Đặc biệt đã tạo ra được cơ chế gắn kết giữa các trường ĐH Sư phạm với các Sở GD&ĐT, hình thành được một cộng đồng học tập tích cực trên cả nước.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, năm học 2021-2022 tới sẽ bắt đầu triển khai chương trình sách giáo khoa (SGK) mới với lớp 6. So với lớp 1 thì việc triển khai ở lớp 6 có những khó khăn, thách thức hơn.

Ngoài các môn học mới, như không còn môn Lý, Hóa, Sinh nữa mà là môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử, Địa lý không còn là môn riêng mà là môn tích hợp cộng thêm những yêu cầu khác.

Đầu vào của HS lớp 6 năm tới không học được chọn chương trình của Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Tiểu học.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã xây dựng chương trình và kế hoạch bổ sung cho lớp 5. Điều này nhằm giúp HS tiểu học được bổ trợ các kiến thức, đảm bảo yêu cầu đầy đủ kiến thức để tiếp nhận chương trình lớp 6 mới. Tuy nhiên, thách thức khi triển khai chương trình - SGK ở lớp 6 là rất lớn.

"GV giảng dạy lớp 6 năm học tới phải rất tâm huyết, hiểu về chương trình, làm chủ chương trình và dạy học bằng cả tâm huyết của mình thì mới vượt qua những khó khăn vướng mắc" - Thứ trưởng Độ nói.

Tác giả: Khánh Hiền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP