Kinh tế

Thịt lợn tăng giá theo ngày, bà nội trợ mua về trữ đông ăn dần

"Giá thịt lợn tăng từng ngày nên hiện tôi đang phải dùng chính sách mua nhiều thịt tích trữ trên ngăn đá chứ không thì tiền lương không đuổi kịp giá thịt lợn".

Suốt từ đầu tháng 11 đến nay, giá lợn hơi xuất chuồng tại các tỉnh thành trên cả nước liên tục tăng mạnh. Tại tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, giá lợn hơi đã tăng lên 75.000-76.000 đồng/kg. Nếu so với thời điểm tháng 5 khi giá lợn chạm đáy còn 28.000 đồng/kg thì giá lợn hơi đã tăng thêm 47.000-51.000 đồng/kg. Còn so với thời điểm đầu năm, giá thịt lợn hơi đã tăng thêm khoảng 30.000-35.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá lợn hơi tại Đồng Nai, TP.HCM cũng tăng lên mức 70.000-75.000 đồng/kg. So với giá lợn hơi tháng 7 (khoảng 32.000 đồng/kg) thì hiện tại, giá lợn đã tăng thêm 40.000-43.000 đồng/kg.

Thịt lợn hơi tăng giá chóng mặt, cao hơn giá thịt bò.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cho biết: "Ở đây có yếu tố trung gian rất lớn. Trước đây, một ngày TP.HCM tiêu thụ 9.500-10.000 con, giờ giảm chỉ còn 8.000-8.500 con. Người bán lẻ phải bán tăng giá để bù đắp chi phí. Riêng những doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết nếu có được hệ thống cung cấp bán trực tiếp từ giết mổ đến bán lẻ thì điều tiết được giá".

Thực tế, khảo sát giá tại các chợ dân sinh ở TP.Hà Nội, do giá lợn hơi xuất chuồng tăng nên giá thịt lợn ngoài chợ cũng tăng. Như tại chợ Văn La (Hà Đông), các loại thịt trước đó có sức tiêu thụ lớn như ba chỉ, thịt mông, vai, chân giò,... đã tăng lên mức 140.000-160.000 đồng/kg; sườn tăng lên 180.000-200.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt gà được bán với giá 75.000-100.000 đồng/kg, còn thịt bò dao động từ 170.000-340.000 đồng/kg tùy loại.

Trao đổi với báo Người Đưa Tin, chị Thanh Hoa (Văn Khê, Hà Đông) không khỏi lo lắng: “Trước đi chợ cầm 100.000 đến 120.000 là cả nhà 4 người ăn thoải mái mà giờ như mất cắp. Gần đây tôi phải chuyển sang ăn gà và bò nhưng thịt lợn vẫn cứ là món chính. Trước nhà tôi hay mua ba chỉ nhưng giờ đắt quá, thịt lại hao nên chuyển sang ăn thịt xay và nạc vai cho đỡ tốn.

Giá thịt lợn tăng từng ngày nên hiện tôi đang phải dùng chính sách mua nhiều thịt tích trữ trên ngăn đá chứ không thì tiền lương không đuổi kịp giá thịt lợn".

Việc thịt lợn tăng giá không chỉ khiến các chế phẩm từ thịt lợn như giò, chả, lạp xưởng… tăng giá mà một số hàng quán ăn cũng đã tăng giá các món có sử dụng nguyên liệu thịt lợn.

Chủ tiệm bún riêu trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) cho biết, hơn tháng nay vì giá xương lợn, thịt lợn tăng chóng mặt nên dù không muốn nhưng anh cũng phải tăng giá. Trước đó tô bún riêu thường có giá 15.000 đồng thì nay tăng thêm 2.000 đồng. Tô bún bao gồm giò lợn cũng tăng thêm 5.000 đồng lên 30.000 đồng.

Chủ quán cơm trên đường Quang Trung (Gò Vấp) chia sẻ cũng tăng thêm 2.000 - 5.000 đồng cho một đĩa cơm tấm. Tuy nhiên theo người này thì dù tăng giá bán cơm nhưng không đủ bù lỗ do vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá thịt lợn. Vì vậy, để cân đối, chủ các quán cơm buộc phải cắt miếng sườn mỏng hơn và tìm mối cung cấp với giá hợp lý để đảm bảo sản phẩm vẫn chất lượng mà hợp túi tiền khách hàng.

Tuy nhiên, phát biểu tại Nghị trường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, vấn đề thịt lợn tăng giá do khan hiếm đã được bộ NN&PTNT tính đến ngay từ lúc dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, các giải pháp phát triển nguồn thực phẩm thay thế, song song với các biện pháp ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi phải tập trung vào 3 nguyên tắc chính đó là: Đảm bảo an toàn dịch bệnh, Tổ chức sản xuất chuỗi và phải có thị trường tiêu thụ, không sản xuất ồ ạt.

Sau 9 tháng, gia cầm tăng 12% sản lượng (trước là 1 triệu tấn), thuỷ sản tăng 6,5%, đại gia súc tăng 4%. Từ đó, "chúng ta đảm bảo cân đối, không bị khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy vậy, về giá thịt lợn hiện nay tăng từ 40 – 45 ngàn đồng/kg lên 60 – 65 ngàn đồng/kg thịt lợn thì người dân phải tạm thời chấp nhận.

"Bởi, trong tình cảnh hiện nay thì chi phí sản xuất có cao hơn trước. Để đảm bảo đàn lợn sạch thì người sản xuất phải sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Chỉ doanh nghiệp hay hộ nào đảm bảo điều kiện an toàn sinh học mới được tái đàn chứ không tái đàn vô lối, vô nguyên tắc " – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lý giải.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, từ đầu tháng 2 đến ngày 15/11 năm nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, TP với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337.000 tấn, chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Công, số liệu này chưa thể hiện chính xác thực tế, vì nhiều hộ chăn nuôi vẫn tự tiêu hủy và chôn lấp ngay tại trang trại.

Tác giả: Hiếu Nguyễn

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: bà nội trợ , Thịt heo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP