Tháng 3 – mùa hoa ban bung nở là lúc cảnh núi rừng Tây Bắc được bao phủ bởi một màu trắng muốt tuyệt đẹp của những cánh hoa ban. Nhiều khi nghĩ một cảnh sắc thơ mộng như vậy chỉ có trong tranh hay trong trí tưởng tượng mà thôi. Nhưng không, giữa tạo hóa của thiên nhiên, cảnh sắc núi rừng Tây Bắc vào tháng 3 đã tạo nên một khung cảnh có một không hai này: màu xanh của cây cỏ, màu vàng óng của tre trúc, màu trong xanh của trời mây, của những suối nước. Và điểm tô cho bức tranh ấy là màu trắng của hoa ban rừng.
Hoa ban Tây Bắc nở rộ mỗi độ cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch
Từ đường lên Tây Bắc, ta sẽ bắt gặp vô vàn hoa ban đua nhau nở trắng xóa cả một con đường, một cánh rừng và trên cả đỉnh núi. Đâu đâu cũng mang đến một cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, thanh bình và hiền hòa.
Với những người yêu thích thiên nhiên thì đây là một dịp quan trọng để chiếm hữu, để thưởng thức và ghi lại những bức hình tuyệt đẹp giữa núi rừng Tây Bắc này. Vì vậy du xuân Tây Bắc vào tháng 3, du khách không chỉ được ngắm nhìn rừng ban đua nhau nở mà còn tìm kiếm cho mình chút bình yên trong cuộc sống, thả hồn vào cây cỏ, chim muông trong rừng và để xua tan mọi lo lắng trong cuộc sống, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tuyệt sắc này.
Hoa ban mang một màu trắng tinh khiết cùng một sức sống mạnh mẽ
Trải qua những cơn gió lạnh, những trận mưa rét của mùa đông, cây ban như một thiếu nữ mỏng manh nhưng kiên cường vươn qua gió, qua mưa, qua rét để bung nở trước mùa xuân ấm áp. Trước sự héo úa của cỏ cây, rừng ban vẫn xanh tốt vươn mình đón mùa xuân, thi nhau tỏa hương và e ấp trong những cánh nụ.
Hoa ban đẹp là thế, tinh khiết là thế nhưng mấy ai biết được hoa ban có nguồn gốc từ đâu? Vì vậy đến với Tây Bắc vào mùa hoa ban nở, mọi người sẽ được người Thái kể về sự tích hoa ban. Đó là để tưởng nhớ và bày tỏ niềm thương tiếc với người anh hùng dân tộc Chương Han đã dũng cảm đứng lên chống lại các thế lực đàn áp, áp bức bóc lột tàn khốc, nhân dân đã buộc những mảnh khăn tang trên cành cây. Về sau trên những cành cây ấy như có phép màu đã hóa những chiếc khăn tang thành những bông hoa ban trắng muốt tuyệt đẹp.
Còn dân tộc Tày lại tương truyền một sự tích khác về hoa ban. Đó là mối tình giữa nàng Ban và chàng Khum. Do cha mẹ nàng Ban không đồng ý cho nàng lấy chàng Khum nghèo đói nên nàng đã bỏ đi. Nàng đi mãi, đi mãi, băng qua bao nhiêu suối sâu, đèo cao mà không tìm được chàng Khum. Rồi sức nàng kiệt, nàng hóa thân vào đất và nơi nàng nằm mọc lên vô số cây và người ta gọi đó là cây Ban.
Đến với Tây Bắc vào mùa hoa ban nở, mọi người sẽ được người Thái kể về sự tích hoa ban
Chàng Khum sau khi đến chỗ hẹn không gặp được nàng Ban đã chạy đi tìm nàng, chàng đi hết đồi này đến đồi khác, gọi mãi mà không thấy nàng đâu. Chàng vừa đi vừa gọi cho đến khi kiệt sức và hóa thành con chim Lộc Khum. Từ đấy về sau mỗi mùa xuân về, hoa ban đua nở cũng là lúc chim Lộc Khum hót. Một tình yêu vĩnh cửu của hai người đã cảm động cả đất trời và thiên nhiên.
Hoa ban mang một màu trắng tinh khiết cùng một sức sống mạnh mẽ - là biểu tượng cho sự chung thủy, thuần khiết và vẻ đẹp của người phụ nữ. Đồng thời thể hiện sức sống mãnh liệt, sự kiên cường trước mọi khó khăn, sóng gió của con người để vươn lên đón nhận những gì đẹp nhất, trắng trong nhất.
Tây Bắc mùa hoa ban nở cho chúng ta cảm giác dễ chịu, thư thái bởi hương hoa thơm dịu nhẹ theo gió phảng phất muôn nơi sẽ cho bạn những cảm giác và trải nghiệm không thể nào quên.
Tác giả bài viết: Văn Hào