Có nhiều lý giải về cái tên ô môi, người thì bảo là vì khi ăn quả hái từ trên cây, môi sẽ chuyển từ màu đỏ sang màu đen thẫm (đen trong tiếng Hán là ô). Có người thì cho rằng do bên trong trái chứa nhiều ô mà mỗi ô là một phần thịt của trái, nên gọi là ô môi. Cây ô môi có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thuộc họ Vang, thân cao lớn từ 10 đến 20 m, cành lá xum xuê và cụm hoa chỉ nở rộ khi lá đã rụng. Hoa ô môi mọc thành từng chùm, xếp thưa và có màu hồng phơn phớt, buông thõng một cách hững hờ trên những kẽ lá đã rụng.
Miệt Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là nơi lý tưởng nhất để du khách dừng chân ngắm sắc hoa ô môi. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja.
Bông ô môi đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người dân miền Tây từ lâu với bài hát Bông ô môi nổi tiếng, hay đi vào những lời thơ giản dị, gần gũi như chính những con người miệt sông nước:
Mùa hoa ô môi đẹp nhất, tươi thắm nhất là vào cuối tháng ba, đầu tháng tư, khi những cơn mưa đầu mùa vừa vội vàng đến lại tất tả đi. Trong cái nắng chói chang của trời tháng ba, sắc hoa ô môi rực lên một màu hồng vừa thanh tao, vừa nhã nhặn, làm vơi bớt đi cái nắng oi ả miệt đồng bằng. Những con đường trồng nhiều ô môi ngợp sắc hồng, rực rỡ đến nổi tưởng chừng chỉ có hoa mà không có lá. Mùa hoa ô môi kéo dài nhiều tháng, sắc hồng bao phủ cả vùng trời của những miền quê êm ả.
Khi đến đoạn gần ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch, bạn sẽ tận mục sở thị vẻ đẹp “lãng mạn như phim Hàn”. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja.
Ô môi của miền Tây Nam bộ, tuy không sang chảnh như hoa hồng, hoa huệ, nhưng lại đẹp dịu dàng không thua hoa anh đào của xứ Đà Lạt. Ngày nay, người ta thường trồng cây ô môi để làm cảnh, phần vì cây cho hoa đẹp, phần vì cây dễ trồng, dễ sống. Về miền Tây, hầu như nơi nào cũng có ô môi bởi loài cây này vốn mọc hoang, dễ thích nghi với nhiều môi trường sống. Thế nhưng để tận hưởng hết cái vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của ô môi thì chỉ có miệt Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là nơi lý tưởng nhất để du khách dừng chân.
Du khách đến địa bàn thành phố Long Xuyên, sau đó chạy thẳng theo tỉnh lộ 943, đường vào Núi Sập, đến đoạn gần ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch, sẽ tận mục sở thị vẻ đẹp lãng mạn như phim Hàn với hai hàng cây ô môi nở rộ hai bên đường. Nhiều du khách từng ngang qua đây xuýt xoa nói rằng, ô môi là một loài cây trổ bông một cách hết mình. Bông ô môi nhỏ nhưng dày đặc, oằn trĩu cả thân cành, thậm chí nhiều đến nổi không nhìn thấy tán cây đâu nữa.
Nhìn từ xa, vòm cây như một ngọn đuốc hồng cao lớn, hiên ngang. Trước đây ở Long Xuyên còn có địa danh phà Ô Môi, xưa kia là khu vực có rất nhiều cây ô môi. Thế nhưng ngày nay nơi đó đã không còn loài cây này nữa. Vì ô môi là cây mọc hoang, chưa được trồng nhiều để kinh doanh du lịch. Thế nên ngoài khu vực xã Vĩnh Trạch, du khách về An Giang cần có sự chỉ dẫn của “thổ địa” dân địa phương để tìm ngắm những cây ô môi trổ hoa rực rỡ.
Bông ô môi nhỏ nhưng dày đặc, oằn trĩu cả thân cành. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja.
Ô môi không chỉ đẹp khi nở hoa, chỉ để khoe sắc cho đời mà trái ô môi khi khô là một món ăn hấp dẫn, nhất là với bọn trẻ. Sau khi nở hoa gần một năm, trái ô môi mới bắt đầu khô. Trái ô môi dài, thô trông như những chiếc gậy đen lớn cỡ cổ tay trẻ con, dài khoảng năm, sáu tấc. Mỗi cơn gió qua, trái ô môi lại khua vào nhau thành tiếng lộp cộp như một bản nhạc hòa tấu của đồng quê. Ô môi khô khi ăn có vị ngòn ngọt, cay nồng, hương vị thơm quyện đặc trưng khó lẫn vào đâu được.
Đến An Giang mùa tháng 3, ngoài ngắm bông ô môi nở rộ, du khách còn có thể tham quan, du lịch nhiều địa danh khác như núi Cấm, rừng tràm Trà Sư hay thăm vương quốc mắm ở chợ Châu Đốc.
Tác giả bài viết: Vĩnh Hy