Du lịch

Sức hút ánh bình minh đầu tiên của Việt Nam trên đất liền

Hành trình 7 ngày qua 10 tỉnh thành từ Vũng Tàu đi Huế men theo các cung đường ven biển miền Trung, tổng lộ trình cả đi và về dài khoảng 2.300 km.

Chúng tôi xuất phát từ 3h sáng ngày mùng 2 Tết. Khác với những lần trước đây, muốn tiết kiệm thời gian, chúng tôi chọn máy bay nhưng lần này được nghỉ dài ngày nên cả nhà quyết định chọn ô tô để di chuyển đến các tỉnh miền Trung.

Ấn tượng trong tôi về Bình Thuận là những ruộng thanh long hai bên vệ đường lúc hừng đông; Quy Nhơn là các đặc sản như bánh hỏi lòng heo, bánh xèo tôm nhảy và sinh tố Kim Đình, vừa ngon vừa rẻ; Huế là biển Lăng Cô, phá Tam Giang với tượng đá hình chú voi đang đi lên từ dưới biển; Đà Nẵng là những cây cầu bắc ngang sông Hàn lung linh trong đêm.

Gành Đá Đĩa Phú Yên. Ảnh: Nhật Tân


Do chúng tôi đi bằng ô tô nên thường xuyên phải dậy sớm để khởi hành. Khá vất vả, nhưng bù lại tôi được ngắm bình minh ở nhiều nơi. Đặc biệt nhất là khi tôi chinh phục cực Đông của Tổ Quốc, là nơi ngắm ánh bình minh đầu tiên của nước Việt Nam trên đất liền, của 3 nước Đông Dương và của cả khu vực Đông Nam Á lục địa.

Ý nghĩ này đã lóe lên trong tôi khi được thông báo sẽ chọn Phú Yên là điểm dừng chân cuối cùng của hành trình, trước khi quay về với thành phố biển Vũng Tàu. Ngày tôi chinh phục khá đặc biệt, ngày 14/2, ngày Valentine. Có lẽ đây là lý do hôm đó có nhiều đôi đến đây để đón ánh bình minh đầu tiên cùng nhau, thật sự rất lãng mạn. Còn tôi đi cùng một anh bạn là người con xứ Nẫu – Phú Yên. Nhưng nhờ có hắn mà mọi khó khăn, thử thách đều được đơn giản hóa đi đôi chút.

4h sáng, hai thanh niên đèo nhau bằng xe máy từ khách sạn ở trung tâm TP Tuy Hòa, ra quốc lộ 1A rồi tiến về đèo Cả. Đoạn đường này khoảng 35 km. Leo đèo một đoạn nhìn bên tay trái sẽ thấy một ngã 3, có bảng chỉ dẫn để rẽ vào Vũng Rô và mũi Đại Lãnh. Từ đây, chúng tôi tiếp tục đến chỗ giữ xe dưới chân hải đăng Đại Lãnh khoảng 10 km. Đến nơi, chạy bộ khoảng hơn 2 km nữa để lên được hải đăng.

Hải đăng Đại Lãnh. Ảnh: Nhật Tân


Hai chân bắt đầu đuối. Nhưng chính những thanh âm của bài “ Đưa nhau đi trốn ” vang lên từ điện thoại đã khiến tôi háo hức hơn, quên đi cái mệt, cái lạnh buốt da khi đó. Dù chỉ cách tầm vài chục mét nhưng chúng tôi phải vượt qua các mỏm đá cheo leo mới ra được cột mốc.

Cột mốc cực Đông được lát đá hoa cương sừng sững trước mặt tôi. Lúc này tôi chẳng biết làm gì khác hơn, ngoài việc nhanh chóng đọc hết các văn tự được khắc trên đó, rồi nhờ anh bạn chụp cho vài tấm làm kỷ niệm.

Khoảnh khắc mọi người mong đợi cũng đến, ánh bình minh đầu tiên phía xa đường chân trời xuất hiện, mặt trời dần dần ló dạng. Nhìn cảnh vật xung quanh khi đó, chẳng khác gì một ma trận, đẹp mê hồn, khiến con người ta không thể nào thoát ra được.

Ánh bình minh đầu tiên của Việt Nam trên đất liền. Ảnh: Nhật Tân


Đứng ngắm một lúc, chúng tôi quay trở về theo đường cũ. Lúc này trời đã sáng, tôi có dịp chiêm ngưỡng nhiều bãi biển đẹp của Phú Yên hơn. Nhìn từ mũi Đại Lãnh, bãi Môn, biển Đại Lãnh tuyệt đẹp. Phóng xa tầm mắt về phía tay phải, sẽ thấy núi Đá Bia cao 706 m trên đỉnh đèo Cả, nơi mà chúng tôi vẫn gọi đó là Hòn Vọng Phu, với nhiều câu chuyện bí ẩn xoay quanh núi đá này. Có thể nói đây là những bãi biển đẹp nhất tôi từng thấy với vẻ hoang sơ, kèm theo lớp lớp sóng biển xô vào bờ, tô điểm cho bức tranh thêm hoàn hảo.

Xa xa, những chiếc lều nhỏ được các bạn dân phượt dựng ngay trên bãi biễn. Tôi hy vọng sẽ có dịp quay lại đây và trải nghiệm cảm giác ấy. Đó là được nằm trên bờ biển hoang sơ, cảm nhận gió biển, lắng nghe sóng và sáng dậy sớm ngắm ánh bình minh đầu tiên. Tưởng tượng thôi tôi đã thấy sướng rồi.

Tác giả bài viết: Độc giả: Nhật Tân Biên tập: Kim Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP