Tin địa phương

Sáp nhập Đà Nẵng – Quảng Nam: Đo sức mạnh kinh tế khi về chung nhà

Việc sáp nhập hai địa phương TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang mở ra một thời kỳ mới đầy hứa hẹn. Không chỉ là sự mở rộng về mặt hành chính, sự kiện này là cú hích chiến lược cho bài toán tích hợp không gian phát triển, tận dụng quy mô kinh tế, tạo lập cực tăng trưởng mới cho địa phương.

Các ý kiến chuyên gia đều có chung nhận định, “Đà Nẵng mới” hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch, logistics, công nghiệp và đô thị thông minh vươn tầm quốc tế.

Định vị cho Đà Nẵng mới

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng nhận định: “Sau sáp nhập, Đà Nẵng sẽ đủ lực để trở thành trung tâm du lịch châu Á, sánh vai Phuket, Bali, Hawaii, chứ không chỉ là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á”.

Ông Dũng dẫn chứng, sau sáp nhập, thành phố mới sẽ có hệ thống dịch vụ lưu trú dẫn đầu cả nước với khoảng 70.000 – 80.000 phòng, trong đó tỷ lệ phòng 5 sao cao nhất Việt Nam.

“Thành phố mới” sẽ sở hữu hệ sinh thái sản phẩm hiếm có: du lịch biển – đảo, du lịch núi rừng, văn hóa – tâm linh, di sản – đô thị cổ, sinh thái – nông nghiệp, nghỉ dưỡng cao cấp… Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa lợi thế biển – đồng bằng – cao nguyên, hội tụ hai di sản thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.

Đà Nẵng mới sẽ hội tụ đủ điều kiện để vươn tầm.



“Chẳng có địa phương nào như Đà Nẵng mới vừa có du lịch biển, du lịch sông khi sông Cổ Cò được nối dài, lại vừa có du lịch rừng núi Bà Nà và có tour di sản Hội An, Mỹ Sơn”, ông Dũng nói.

Một điểm sáng khác là thị trường MICE – du lịch hội nghị, hội thảo được đánh giá là tiềm năng chiến lược trong giai đoạn hậu đại dịch. Với hệ thống khách sạn, trung tâm hội nghị, dịch vụ đi kèm hàng đầu khu vực, Đà Nẵng mới hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành điểm đến MICE hàng đầu Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng cho hay, với quyết sách chiến lược mang tính lịch sử của Nghị quyết 60 – NQ-TW khi sáp nhập TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng mới sẽ có thêm dư địa mới (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) để phát triển và sẽ có thêm nhiều sức mạnh mới để vươn lên.

Cầu Quảng Đà nối Đà Nẵng và Quảng Nam.

Điều dễ thấy trước tiên là với diện tích rộng lớn, Đà Nẵng mới có không gian địa lý thuận lợi cho việc hình thành các khu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ mới với sự kết hợp và tổng hòa các lợi thế của từng địa phương, từng lĩnh vực trước đây. Sự đa dạng hơn về địa hình tạo thuận lợi cho sự đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ từ sản xuất đến việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng ngày càng cao của người dân địa phương, du khách và xuất khẩu.

Nguồn nhân lực trên cả 2 mặt số lượng và chất lượng cũng là lợi thế quan trọng cho sự phát triển trước mắt và lâu dài của thành phố mới trên cả 2 mặt sản xuất và tiêu dùng.

Bên cạnh đó, với vị trí trung độ của cả nước, TP. Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi để hội tụ và lan tỏa, phát huy những lợi thế của một không gian phát triển mới. Cùng với sự quan tâm đầy trách nhiệm của Trung ương và sự hợp tác, chia sẻ đầy nghĩa tình của các địa phương bạn trong cả nước… Đà Nẵng mới như càng hội đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa để vươn mình phát triển trong giai đoạn chuyển mình của đất Nước.

Rút ngắn mục tiêu vươn tầm châu lục

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng cũng đánh giá cao tác động tích cực, mở ra nhiều cơ hội mới cho Đà Nẵng – Quảng Nam sau sáp nhập.

Theo ông Bình, Đà Nẵng – Quảng Nam sau sáp nhập không chỉ tăng về quy mô mà còn mở ra dư địa phát triển chưa từng có, nhất là trong ngành du lịch, công nghiệp, dịch vụ logistics và phát triển hạ tầng.

Trên thực tế, “chiếc áo quá chật” của Đà Nẵng nhiều năm qua đã cản trở tốc độ vươn mình. Thiếu quỹ đất phát triển công nghiệp, hạn chế không gian mở rộng đô thị và sự lệ thuộc vào các nguồn lực hữu hạn là những rào cản cần được gỡ bỏ. Quảng Nam với lợi thế đất đai rộng lớn, dân cư phân bổ hợp lý và tiềm năng tài nguyên dồi dào chính là “cánh tay nối dài” lý tưởng cho chiến lược mở rộng không gian phát triển Đà Nẵng.

Đà Nẵng được nâng tầm với sự cộng hưởng từ nhiều cảng biển.



Về hạ tầng, liên kết vùng được nâng tầm với sự cộng hưởng từ cảng Tiên Sa, Liên Chiểu, Kỳ Hà; sân bay Đà Nẵng và Chu Lai; các tuyến cao tốc Bắc – Nam, Đà Nẵng – Quảng Ngãi... Một Đà Nẵng mới trở thành đầu mối giao thông, logistics đa phương thức, phục vụ cả hàng hóa và hành khách quốc tế.

Theo ông Phạm Bắc Bình, Quảng Nam hiện còn rất nhiều quỹ đất chưa khai thác. Việc tận dụng các vùng đất này để phát triển công nghiệp hỗ trợ, khu công nghệ cao… sẽ là lời giải cho bài toán mở rộng không gian sản xuất – điều mà Đà Nẵng luôn thiếu hụt.

Ngoài ra, chính sách thống nhất trong đầu tư – thuế – lao động – nhà ở xã hội giữa hai địa phương sau sáp nhập cũng giúp tạo nên một môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn hơn với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chia sẻ thêm, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay, sau sáp nhập, ngành du lịch nói riêng và các ngành kinh tế khác của Đà Nẵng nói chung sẽ tạo được dư địa mới, năng lượng mới, không gian mới và nội lực mới để phát triển.

Tuy nhiên, khi có quá nhiều “món ngon”, bài toán đặt ra là chọn món nào trước, kết hợp ra sao để không lãng phí tài nguyên?”. Đây là lúc cần đến sự can thiệp của một chiến lược quy hoạch bài bản, tầm nhìn dài hạn và đặc biệt là sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược.

Sau sáp nhập, Đà Nẵng có thể rút ngắn mục tiêu mà Nghị quyết 43 đã đề ra.



Bên cạnh đó, cần có cơ chế, khung pháp lý, thể chế đi kèm. Và Đà Nẵng hoàn toàn có thể bổ sung quy chế đặc thù cho du lịch để thực sự trở thành một cái trung tâm du lịch của châu Á, thực sự trở thành một cái điểm đến, một cái cửa ngõ quan trọng cùng với TP. Hà Nội và TP.HCM.

Ông Dũng cũng cho hay, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị từng đặt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội cấp vùng và khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045 vươn tầm châu lục. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng thời điểm vàng của sáp nhập, kết hợp với tầm nhìn chiến lược, Đà Nẵng có thể rút ngắn thời gian này 5 – 10 năm, sớm vươn lên vị trí vươn tầm châu lục vào năm 2035.

Để đạt được mục tiêu đó, cần sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, của các nhà đầu tư, của cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.

Tác giả: Khánh Hồng

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP