Một buổi sáng sớm, khi cơn mưa rả rích kéo dài từ tối hôm qua bắt đầu ngớt, Y Sích-làng Kon Ktonh (xã Kon Pne) dẫn tôi ra suối Pne để hái rau dớn-loại rau không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của gia đình chị. Nằm phía bên kia cánh đồng của làng, suối Pne hiện ra hiền hòa, ôm lấy những ngôi làng bình yên nơi đây. Hai bên bờ suối, lau sậy và nhiều loại cỏ dại mọc um tùm, xanh ngắt. Nổi bật ở đó là những nhánh rau dớn non tơ, mỡ màng, đang vươn mình lên trời như để hứng lấy giọt nắng yếu ớt sau những ngày mưa dài lê thê. Thoạt nhìn, rau dớn giống cây dương xỉ, nhưng thân dớn nhỏ và bụ bẫm, lá dớn xanh mướt, mọc so le, hình ngọn giáo, phần trên cùng cây rau dớn uốn lại như cái vòi voi. Rau dớn cũng khá giòn, nhất là phần trên cùng của rau dớn rất dễ gãy, chỉ cần đưa tay hái nhẹ là đã có dớn mang về mà không cần phải dùng đến các vật dụng sắc nhọn khác.
Đặt nhẹ những ngọn dớn xanh tươi vừa được hái vào gùi, chị Y Sích vui vẻ cho biết: Rau dớn sống nhờ nước nên mùa mưa đến là nó bắt đầu sinh sôi nảy nở. Nhất là vào khoảng đầu tháng 10 Âm lịch, rau dớn thi nhau mọc khắp các bìa rừng, dọc các khe đá, mọc thành từng vạt bên bờ suối. Muốn ăn rau dớn, chỉ cần ra bờ suối cạnh nhà có thể hái được cả gùi mang về ăn trong vài ba ngày. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhiều người ở các vùng khác cũng thích ăn rau dớn ở suối Pne nên rau dớn bị thu hái quá nhiều, phải đi xa, cách đoạn suối gần nhà cả cây số mới có nhiều dớn để hái. Mà cách chế biến rau dớn hiện nay cũng cầu kỳ hơn trước. Nếu như trước đây, khi chưa có dầu ăn, rau dớn chỉ dùng để luộc thì bây giờ, rau dớn được xào với tỏi, thịt bò, thịt heo, thịt gà. Trong đó, rau dớn xào tỏi lại được nhiều người ưa chuộng nhất bởi vị thơm nồng của tỏi quyện với vị ngọt, chát và giòn rụm của dớn rất đặc biệt.
Khi rau dớn đã đầy gùi, chị Y Sích dẫn tôi đến nhà già Đinh A Hnớ (làng Kon Ktonh) rồi nói: “Muốn biết rõ hơn về cây dớn phải gặp già Hnớ. Già ấy từng sống bằng rau dớn trong những năm tham gia chiến đấu chống Mỹ. Theo già Hnớ, trong những năm kháng chiến, rau dớn được xem như là cây rau cộng sản. Bởi, ngoài ăn củ mì do dân làng tiếp tế, bộ đội phải ăn thêm rau dớn để cải thiện dinh dưỡng bữa ăn. Những khi mì không kịp tiếp tế, rau dớn trở thành nguồn thức ăn cứu đói cho bộ đội trong suốt mấy tháng trời. Sau giải phóng, người dân làng Kon Ktonh nói riêng, xã Kon Pne nói chung lại tiếp tục ăn rau dớn để chống lại cái đói mùa giáp hạt hay lúc mùa màng thất bát. Và mãi đến sau này, khi mì và lúa được trồng nhiều hơn, rau dớn không còn là cây chống đói nhưng vẫn được xem là món rau chính của người dân nơi đây. Bởi lúc ấy, ở Kon Pne chưa có bóng dáng của các loại rau trồng khác như cúc, cải, muống, mồng tơi. Cứ mỗi lần lên rẫy, dân làng nơi đây lại hái một ít rau dớn bỏ vào gùi mang về.
Bởi những lý lẽ trên mà dân làng Kon Ktonh đã lấy tên cây rau dớn để đặt tên cho làng và kể từ đó, rau dớn trở thành biểu trưng của văn hóa người Bahnar nơi đây, được phản ánh trong một số kiến trúc văn hóa. “Rau dớn được gọi là La Ktonh. La là lá, Ktonh là rau dớn. Vì rau dớn chủ yếu mọc ở núi và suối Kon Pne nên chúng tôi lấy tên làng là Kon Ktonh. Trên mái một số nhà mồ vẫn khắc biểu tượng của cây rau dớn”-già Hnớ giải thích.
Rời Kon Pne vào một buổi chiều cuối tuần, trên đường đi còn có những cán bộ công tác tại Kon Pne nhiều năm liền nên tôi được nghe nhiều hơn những câu chuyện thú vị về loại rau “vua” này. Và hơn thế, khi đâu đó trên đường về vẫn phảng phất hương vị thơm nồng của tỏi và vị chát của rau dớn, tôi càng mong được trở lại nơi đây trong một ngày gần nhất để tiếp tục được thưởng thức món ăn đặc biệt này.
Tác giả bài viết: Hồng Thương