Trong nước

Quốc hội chất vấn trực tiếp 4 bộ trưởng

Bốn bộ trưởng Tô Lâm, Phạm Hồng Hà, Nguyễn Văn Thể và Nguyễn Ngọc Thiện sẽ lần lượt ngồi "ghế nóng" trong phiên chất vấn trực tiếp kéo dài hơn 2 ngày tại Quốc hội.

Từ ngày 3 đến 7/6, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 7 khóa XIV. Nội dung chính của tuần là hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ, diễn tra trong 2,5 ngày (4-6/6).

Bốn bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp lần lượt là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Ngoài ra, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành liên quan và phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực sẽ cùng tham gia trả lời trong từng buổi chất vấn. Cuối cùng, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ lần đầu đăng đàn trước Quốc hội, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm.

Nội dung chất vấn các bộ trưởng gồm những gì?

Người đứng đầu ngành Công an dự kiến trả lời về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó có công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma tuý, tội phạm giết người, tín dụng đen, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Ngoài ra, nội dung chất vấn ông Tô Lâm còn có công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, ma túy...

“Chia lửa” với Bộ trưởng Tô Lâm có các bộ trưởng Tư pháp, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao… và một phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực.

Bốn bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn gồm các ông Tô Lâm, Phạm Hồng Hà, Nguyễn Văn Thể và Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Minh Quân - Phạm Duy.

Người thứ hai ngồi “ghế nóng” là Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ông Hà trả lời về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình; quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch.

Công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội cũng sẽ được chất vấn.

Sang ngày chất vấn thứ hai, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đăng đàn trả lời nhóm vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém…

Đại biểu Quốc hội cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới...

Cùng trả lời với hai ông Phạm Hồng Hà, Nguyễn Văn Thể là bộ trưởng các bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước… cùng phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực.

Thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn là Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ông Thiện trả lời chất vấn của đại biểu về công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh...

Các bộ trưởng Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.

Tiếp tục nội dung xây dựng luật

Trước phiên chất vấn, Quốc hội nghe Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cùng giải trình của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng được bố trí trong ngày làm việc đầu tuần.

Sau khi phiên chất vấn kết thúc, Quốc hội tiếp tục với nội dung xây dựng luật.

Các đại biểu thảo luận tổ về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Ngoài ra, nội dung được thảo luận còn có việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Trước đó, tại tuần làm việc thứ hai, ngoài thảo luận về một số dự án luật, Quốc hội đã có phiên thảo luận chung về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Nhiều đại biểu nêu vấn đề và kiến nghị giải quyết dứt điểm tình trạng phá nát quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chạy theo lợi ích của chủ đầu tư.

Quốc hội cũng đã dành 1,5 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch năm 2019 cũng như quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Các vấn đề nóng được dư luận quan tâm như việc tăng giá xăng, giá điện, việc để xảy ra gian lận, tiêu cực trong thi cử... được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập.

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP