Kinh tế

Quảng Nam: Tạo cơ chế thông thoáng, hấp dẫn thu hút đầu tư

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Quảng Nam đạt khoảng 9 - 10%/năm.

Theo mục tiêu mà tỉnh Quảng Nam đặt ra, lộ trình đến năm 2020, GRDP/người của tỉnh sẽ đạt 3.400 USD; cơ cấu kinh tế các ngành phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 90%; ngành nông nghiệp chiếm khoảng 10%.

Đến năm 2025: GRDP/người đạt khoảng 5.000 USD; cơ cấu kinh tế các ngành phi nông nghiệp chiếm hơn 92%, ngành nông nghiệp chiếm gần 8%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 16%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân trên 15%/năm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm tương đương 30% GRDP.

Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nâng cấp Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp (ảnh Phạm Xuân).

Đến năm 2030, Quảng Nam sẽ trở thành một trong những tỉnh phát triển hội tụ những yếu tố của nền kinh tế tri thức với các ngành định hướng phát triển như: công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường an toàn, bền vững; hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hoàn thiện và hiện đại. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trung bình khoảng 10,5%, GRDP/người đạt mức trên 9.100 USD vào năm 2030, gấp trên 2,5 lần năm 2020.

Cùng với đó, Quảng Nam sẽ phát triển vững chắc về An ninh - Quốc phòng, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao.

Để đạt được những mục tiêu đề ra theo quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung phát triển công nghiệp - xây dựng, trong đó, phát triển các cụm ngành động lực đang là lợi thế của tỉnh. Đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng khung với đầy đủ hạng mục hạ tầng như: sân bay, cảng biển; kết nối đồng bộ giao thông giữa các cụm công nghiệp, các trung tâm đô thị và vùng nguyên liệu, hướng tới phát triển công nghiệp bền vững.

Quảng Nam đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Khai thác tối đa cơ hội liên kết phát triển kinh tế vùng, kinh tế trọng điểm miền Trung và các xu hướng phát triển kinh tế trong nước và thế giới. Ngoài ra, Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nâng cấp Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp bao gồm: các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời là động lực để kết nối, phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Song song với phát triển công nghiệp - xây dựng, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành thương mại - dịch vụ đúng với tiềm năng, lợi thế của địa phương hiện nay để đáp ứng nhu cầu đa dạng trong sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng các khu du lịch lớn tại Hội An, Mỹ Sơn, vùng ven biển.

Đồng thời, mở rộng không gian du lịch về phía Nam và phía Tây của tỉnh, tạo chuỗi liên kết du lịch với các địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa. Tiến tới đưa tỉnh Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Việc Quảng Nam đang tạo ra các cơ chế, chính sách phù hợp, nhà đầu tư được hưởng những cơ chế đặc thù với môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn sẽ huy động được tổng hợp các nguồn lực, thu hút được các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia trong và ngoài nước đến đầu tư tại Quảng Nam.

Tác giả: Ngọc Khánh

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP