Pháp luật

Quảng Nam: Nguyên Chủ tịch phường Điện Dương bị khởi tố, nhiều "điểm mờ" cần được làm rõ, tránh gây oan sai?

Bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và sau khi có kết luận điều tra, bị can Đinh Hùng Liên, 54 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND phường Điện Dương, Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đã cho rằng, hàng loạt sự việc nêu tại kết luận không đúng thực tế, vận dụng sai luật, suy đoán có tội gây bất lợi cho bản thân ông và thể hiện thiếu yếu tố khách quan, công minh trong giai đoạn điều tra.

Hai bản kết luận điều tra đều có hàng loạt “kẽ hở”

Vụ án thất thoát tiền bồi thường, hỗ trợ tại Dự án Khu Dân cư làng Chài xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam đã được Cơ quan công an Quảng Nam khởi tố vụ án vào tháng 3/2019, bắt giữ 3 cán bộ liên quan và có kết luận điều tra vào 24/3/2020.

Đến tháng 4/2020, Cơ quan CSĐT tiếp tục khởi tố thêm 3 cán bộ khác gồm: ông Đinh Hùng Liên (54 tuổi), Chủ tịch UBND phường Điện Dương về hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”; ông Lê Văn Cảm (53 tuổi), Trưởng phòng TN-MT thị xã Điện Bàn và Lê Thương (62 tuổi), nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Điện Bàn bị khởi tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau khi bị điều tra, bị can Đinh Hùng Liên đã có những hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ vụ án, chịu trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm pháp luật.

Hiện trường dự án Khu dân cư Làng Chài, phường Điện Dương, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Theo bị can Đinh Hùng Liên cho biết: “Từ kết luận điều tra lần đầu đến kết luận điều tra bổ sung, đã thấy hàng loạt vấn đề sai lệch, không đúng với thực tế, thiếu căn cứ pháp luật và dẫn đến kết tội không đúng đối với mình....

Cụ thể, tại Bản kết luận điều tra số 45/PC03, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã cho rằng bị can Liên đã ký hai hợp đồng cho thuê đất số 51b và 52b dù đã có thông báo thu hồi đất và ký xác nhận kiểm kê hai trại tôm xây mới để làm cơ sở bồi thường, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền 1,063 tỷ đồng...”.

“Trong bản kết luận điều tra lần 1 và Kết luận điều tra bổ sung đã có nhiều điểm sai lệch thực tế, quy kết theo kiểu suy đoán có tội mà không làm rõ những chứng cứ, mâu thuẫn của sự việc.

Cụ thể, tại bản kết luận điều tra bổ sung số:161/BKLĐTBS-CSKT ngày 23/11/2020 ở trang 3 dòng 13,14 có nêu ( ngoại trừ bị can Liên và ông Lê Văn Bốn - không làm việc được vì không có mặt địa phương, đi đâu, làm gì không rõ).

Điều này được ông Liên chứng minh bằng nhiều tình tiết và văn bản xác định của địa phương là luôn có mặt tại địa phương và đã hợp tác tốt với Cơ quan CSĐT và cá nhân điều tra viên Trương Thanh Hải để làm việc và cung cấp chứng cứ liên quan đến vụ án...”, ông Liên cho biết.

Một vấn đề quan trọng mà hai bản kết luận điều tra dựa vào để kết tội ông Đinh Hùng Liên là ông đã tham dự buổi kiểm tra thực tế hiện trường trại tôm và ký biên bản kiểm kê vào ngày 09/12/2015.

Tuy nhiên, theo ông Liên, ông không có mặt và tham dự buổi kiểm tra thực tế hiện trường trại tôm ngày 09/12/2015 và không ký biên bản kiểm kê tại hiện trường.

Việc ký này được thực hiện vào năm 2017 khi ông Nguyễn Ngọc Đãi mang lên trình ký tại văn phòng làm việc UBND phường Điện Dương.

Mặt khác, ông Liên cũng cho rằng, ngày 9/12/2015 không có buổi khảo sát kiểm tra thực tế hiện trường. Việc ký biên bản này là vào thời điểm 2017.

Theo quy định của pháp luật, nếu Trung tâm phát triển quỹ đất muốn UBND phường Điện Dương hỗ trợ tham gia khảo sát thực tế hiện trường trại tôm vào ngày 09/12/2015 thì bắt buộc phải gửi thư mời cho UBND Phường Điện Dương, trong thư mời sẽ thông báo rõ ngày giờ và địa điểm thực hiện việc khảo sát.

Từ thư mời của Trung tâm phát triển quỹ đất, Chủ tịch ủy ban sẽ công bố các cá nhân tham gia hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật.

Thế nhưng, cơ quan điều tra lại không tiến hành xác minh thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ sự việc này dẫn đến sai lệch trong định tội danh cho ông Đinh Hùng Liên.

Việc cơ quan điều tra quy kết ông Liên sai phạm trong việc ký kết hai hợp đồng cho thuê trại tôm đối với ông Văn Đức Thắng và ông Lê Thanh Sáu với số 51b/HĐ-KT ký ngày 20/12/2015 và Hợp cho thuê mặt bằng số 52b/HĐ-KT ký ngày 21/12/2015 cũng thể hiện thiếu cơ sở về mặt cơ sở pháp lý, thực tế khách quan.

Đây là những hợp đồng cho thuê được ký sau khi có biên bản kiểm tra thực tế hiện trường trại tôm thể hiện ngày 09/12/2015.

Hai hợp đồng này đều nhằm mục đích hỗ trợ các hộ dân khai thác, canh tác trong thời gian chờ giải phóng mặt bằng và giúp tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Trong hợp đồng cũng thể hiện rõ nội dung: “Trong thời gian hợp đồng, nếu Nhà nước và địa phương có chủ trương thu hồi đất thì bên B (Bên thuê) phải trả lại diện tích đất đã thuê và tự tháo dỡ các trang thiết bị, vật kiến trúc có trên đất thuê (khi có nhu cầu thu hồi Bên A sẽ thông báo trước cho bên B thời gian 03 tháng trước khi thu hồi)”.

Việc xác định rõ trách nhiệm không bồi thường trang thiết bị, vật kiến trúc trên đất thuê đã khẳng định hai văn bản này không có giá trị, cơ sở pháp lý để bồi thường hỗ trợ theo dự án khu dân cư Làng Chài. Việc cho thuê không hề liên quan đến thiệt hại của ngân sách khi bồi thường.

Như vậy, Trung tâm phát triển quỹ đất không thể căn cứ vào các Hợp đồng cho thuê mặt bằng để bồi thường cho người dân. Nếu Trung tâm phát triển quỹ đất cố tình căn cứ vào hợp đồng này để bồi thường là lỗi của Trung tâm phát triển quỹ đất.

Việc xác định hai trại tôm được xác lập bồi thường, dẫn đến thất thoát cũng được cơ quan điều tra bỏ qua một cách đáng ngờ.

Cụ thể, trong biên bản kết luận điều tra bổ sung, thì Cơ quan CSĐT xác định trại tôm mã số 04 được xây dựng vào năm 2012 và mã số 20 được xây dựng năm 2015 trước thời điểm có thông báo thu hồi đất số 538/TB-UBND ngày 29/10/2015 căn cứ vào tinh thần nội dung cuộc họp ngày 03/11/2015 về triển khai thông báo thu hồi đất thực hiện dự án thì 2 trại tôm này đủ điều kiện được xem xét bồi thường để thu hồi đất và 2 trại tôm mã 04 và mã 20 hoàn toàn không liên quan đến 2 hợp đồng 51b và 52b bởi vì 2 hợp đồng này ký cho ông Văn Đức Thắng và ông Lê Thanh Sáu sau khi có biên bản khảo sát thực tế hiện trường trại tôm ngày đề ngày 09/12/2015.

Từ mâu thuẫn này cho thấy việc suy luận ông Liên ký 2 hợp đồng 51b và 52b dẫn đến việc phát sinh xây dựng hai trại tôm mới dẫn đến Trung tâm phát triển quỹ đất bồi thường thêm là thiếu căn cứ, suy đoán theo hướng có tội của cơ quan điều tra.

Có nhiều điểm mờ cần được làm rõ tránh gây oan sai

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Mạnh Linh, Công ty Luật TNHH Tân Đại Thịnh và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định: “Bản kết luận điều tra lần 1 và kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự đề nghị truy tố đối với cá nhân ông Đinh Hùng Liên về hành vi “Vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất” tại khoản 3, điều 230, BLHS năm 2015 là hoàn toàn không có căn cứ, trái với với Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật đất đai và phương án bồi thường được phê duyệt, từ đó dẫn tới kết luận không đúng tội danh và vi phạm tố tụng một cách nhiêm trọng.

Dự án này còn nhiều góc khuất chưa được Cơ quan điều tra làm rõ.

Theo Điều 230, tội danh này thể hiện các yếu tố cấu thành phạm tội là người có chức vụ, nhận thức rõ hậu quả, việc làm sai trái, cố ý, có động cơ, mục đích vụ lợi trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Dù thực tế sự việc và cả trong hai bản kết luận điều tra đều cho thấy, ông Đinh Hùng Liên không hề cố ý hay nhận thức rõ việc ký biên bản kiểm kê là hành vi phạm tội, không có động cơ, mục đích vụ lợi cá nhân, không tham gia sản xuất kinh doanh hay chia lợi ích từ số tiền bồi thường, hỗ trợ bị thất thoát... Ông Liên không hề vụ lợi hay thông đồng với các cá nhân khác để chiếm dụng số tiền hồ trợ bồi thường.

Theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan tới việc bồi thường hỗ trợ, tái định cư và giải giải phóng mặt bằng; Căn cứ vào phương án Bồi thường hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng được phê duyệt thì hồ sơ đền bù có rất nhiều giấy tờ pháp lý liên quan khác nhau, trong đó biên bản khảo sát, kiểm đếm kiểm tra hiện trường thực tế chỉ là một thành phần của hồ sơ, nó chỉ có giá trị khi các giấy tờ pháp lý khác hợp pháp và chứng minh hộ dân đủ điều kiện hưởng bồi thường nó có giá trị trong giai đoạn áp giá tính giá trị bồi thường hỗ trợ, cho nên nội dung trong biên bản đó thường chỉ thể hiện quá trình khảo sát hiện trường thực tế, xem trên đất có công trình kiến trúc hay hoa màu gì hay không và số lượng thực tế.

Giai đoạn này chính quyền cấp xã sẽ cử người tham gia hỗ trợ, kiểm tra và giám sát tổ chức được phân công thực hiện công việc này và chủ tịch xã sẽ ký tên trên biên bản khảo sát hiện trường.

Do đó, Biên bản kiểm tra hiện trường không thề thay thế các giấy tờ, các tài liệu chứng minh hộ cá nhân có đủ điều kiện hưởng bồi thường hỗ trợ hay không.

Từ những phân tích trên, Luật sư Nguyễn Mạnh Linh khẳng định biên bản kiểm tra thực tế hiện trường trại tôm thể hiện ngày 09/12/2015 đơn thuần chỉ là biên bản khảo sát hiện trường thực tế xem có trại tôm hay không có trại tôm? Và kiểm đếm vật và kiến trúc của trại tôm trên thực tế chứ không có thể thay thế các giấy tờ khác trong hồ sơ đền bù.

Sau khi có Biên bản khảo sát hiện trường thực tế này, Trung tâm phát triển quỹ đất sẽ căn cứ vào các giấy tờ pháp lý khác để áp dụng và xem xét 02 trại tôm nói trên có được đền bù hay không.

Nếu trường hợp căn cứ vào các giấy tờ, các tài liệu, các quy định của pháp luật và của phương án bồi thường có thể hiện 2 trại tôm nói trên được bồi thường thì lúc đó Trung tâm phát triển quỹ đất mới căn cứ biên bản khảo sát, kiểm đếm được lập ngày 9/12/2015 để tính toán, áp giá đền bù, hỗ trợ.

Do đó cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào biên bản kiểm tra thực tế hiện trường trại tôm thể hiện ngày 9/12/2015 mà không tìm hiểu và căn cứ Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan tới việc bồi thường hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng; phương án, hồ sơ của dự án để xem xét giá trị pháp lý của biên bản kiểm tra hiện trường trại tôm ngày 9/12/2015 đã thể hiện sự áp đặt, suy luận theo ý chí chủ quan của nhà điều tra.

Một yếu tố hết sức quan trọng là cơ quan điều tra không xác định rõ hai trại tôm số 04 và 20 là của hai hộ dân nào, được xây dựng vào thời điểm nào, trước hay sau thời điểm thu hồi đất, hiện trạng ra sao, vị trí, sổ thửa đất…

Đây là chi tiết hết sức quan trọng và có ảnh hưởng tới đề nghị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất” tại khoản 3, điều 230, BLHS, bởi: Nếu thật sự có 2 trại tôm tồn tại trước thời điểm đoàn khảo sát tiến hành khảo sát và lập biên bản khảo sát thực tế hiện trường trại tôm ngày đề ngày 09/12/2015, thì có nghĩa là biên bản khảo sát ghi nhận đúng hiện thực và hiện trạng chi tiết các tài sản có ở 2 trại tôm, chứ không phải do những người có liên quan tự vẽ ra để nhằm mục đích trục lợi từ công tác bồi thường.

Từ những sự việc bất hợp lý, thiếu căn cứ của vụ án, các cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Nam cần xem xét, đánh giá lại vụ án, các căn cứ pháp lý của kết luận điều tra. Cơ quan điều tra cũng làm rõ số tiền thất thoát hơn 1,34 tỷ đồng hiện vào túi ai và ai là người được hưởng lợi?.

Để thất thoát số tiền đó có trách nhiệm chính thuộc về Trung tâm Quỹ đất, còn những cá nhân hưởng lợi từ nguồn tiền thất thoát được xác định này là ai!? Cá nhân nào gian lận trong kê khai, chủ mưu biến hóa các thủ tục để được hưởng lợi.

Làm rõ vụ án và truy tố, xử lý đúng người, đúng tội liên quan vụ án sẽ giúp không đẩy một cán bộ có nhiều cống hiến, hơn 30 năm tuổi Đảng và gia đình giàu truyền thống cách mạng như ông Liên bị chịu oan sai vì những sai sót về tố tụng, điều tra thiếu công tâm.

Tác giả: Quốc Bảo

Nguồn tin: phapluatplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP