Ông Phạm Huy Bình, Phó Giám đốc sở Du lịch TP HCM, Trưởng ban tổ chức Lễ hội áo dài TP HCM 2016 có những chia sẻ thẳng thắn với Zing.vn về những cơ hội và khó khăn của mùa lễ hội năm nay.
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Phạm Huy Bình. Ảnh: Bá Ngọc
- Sau Lễ hội áo dài 1 và 2 tổ chức trong thời gian ngắn (3 ngày) và địa điểm chỉ gói gọn trong khu vực Đầm Sen thì lý do gì khiến chương trình được mở rộng về quy mô toàn thành phố và kéo dài trong 2 tuần?
- Tiếp theo hai mùa lễ hội trước khá thành công, sau khi xin chỉ đạo của UBND thành phố, chúng tôi đã mở rộng quy mô của Lễ hội áo dài. Đây là một hoạt động ý nghĩa nhằm khôi phục, giới thiệu hình ảnh áo dài – vốn là nét đẹp của người Việt nhưng thời gian qua hơi bị mọi người quên lãng một chút, nhất là trong môi trường học đường.
Thông qua lễ hội áo dài, Sở du lịch phối hợp với Sở Giáo dục đào tạo, Hội Thanh niên sẽ tổ chức một chương trình vận động học sinh, sinh viên mặc áo dài. Ban đầu, một số trường điểm, công lập tham gia, sau đó lan tỏa ra nhiều trường trong toàn TP HCM.
Hơn nữa, chương trình còn muốn nâng cao, giới thiệu tà áo dài không chỉ trong thành phố mà tới cả quốc tế. Vì thế, trong khuôn khổ lễ hội cũng có chương trình vận động người nước ngoài làm việc ở TP HCM mặc áo dài trong tháng 3.
- Cụ thể, với hai mùa lễ hội trước, Lễ hội áo dài đã tác động tích cực thế nào đến ngành du lịch của TP HCM?
- Tất nhiên, lễ hội có gây được sự thu hút thì năm nay mới có sự tham gia của tổ chức Interflora Pacific. Do đó, trong hội thi Kết hoa trên áo dài sẽ có 20 nhà thiết kế nước ngoài đến tranh tài.
Còn với du khách thì chưa biết nhiều vì quy mô Lễ hội năm trước khá nhỏ. Năm nay, BTC đã in 3.000 thư mời nhờ các đơn vị lữ hành, cơ sơ lưu trú 3-5 sao trên toàn thành phố gửi đến khách hàng là người nước ngoài, kêu gọi mọi người hưởng ứng lễ hội áo dài.
- Việc mở rộng quy mô khiến ban tổ chức gặp những khó khăn gì thưa ông?
- Thời gian kéo dài nên ban tổ chức vất vả hơn, chi phí nhiều. Lễ hội áo dài gồm kinh phí của nhà nước và xã hội hóa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi vốn xã hội hóa. Để tiết kiệm chi phí, ban tổ chức sẽ giảm phần lễ và tăng phần hội, nghĩa là kêu gọi người dân cùng tham gia nhiều hơn. Chẳng hạn, suốt thời gian lễ hội, ban tổ chức kêu gọi người dân mặc áo dài trong suốt tháng 3.
Trong chương trình Hành trình thành phố tôi yêu, 200 học sinh sinh viên đạp xe qua những công trình văn hóa của thành phố như một cách giới thiệu TP HCM là điểm đến an toàn và hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
- Ông nghĩ sao khi bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc mặc áo dài hàng ngày thì cũng có không ít ý kiến cho rằng việc áp dụng này sẽ khó khăn vì áo dài khó cho người mặc trong những hoạt động thường ngày?
- Tất nhiên không thể áp dụng mặc áo dài trong mọi trường hợp như tập thể dục nhưng sẽ phù hợp nếu đi làm công sở, tiệc, chơi phố. Bình thường, mọi người đã mặc áo dài trong các hoạt động này nhưng chưa nhiều. Mặc áo dài không còn gói gọn với nữ giới mà rất nhiều nam giới cũng chọn áo dài khi xuất hiện trong sự kiện. Đừng nghĩ mặc vào sẽ khó khăn cho hoạt động, mình là người Việt, có tôn trọng và yêu thích tà áo dài mới thuyết phục được người nước ngoài chứ.
Hoa hậu Kỳ Duyên và Lan Khuê đồng hành với Lễ hội áo dài TP HCM 2016. Ảnh: Bá Ngọc
- Trang phục truyền thống bây giờ kiểu dáng, phong cách rất đa dạng, phong phú, vậy áo dài được khuyến khích mặc trong dịp lễ hội là kiểu cách tân hay truyền thống?
- Các mẫu áo dài dù cách tân hay hiện đại thì mỗi kiểu có vẻ đẹp riêng, không nên đặt nặng vấn đề này. Hơn nữa, điều này lại phụ thuộc vào sở thích, thói quen và sự phù hợp với hoàn cảnh của từng kiểu áo dài.
- Với sự mở rộng về quy mô, thời gian, ông kỳ vọng gì vào những ảnh hưởng tích cực của lễ hội áo dài với đời sống, văn hóa và du lịch?
- Với lễ hội áo dài, không chỉ là sự kỳ vọng của người trong ban tổ chức mà còn là cá nhân, công dân của thành phố. Từ lễ hội này, tôi hy vọng nó sẽ trở thành một lễ hội thường niên – sự kiện văn hóa, tạo sự thu hút đối với du khách đến với TP HCM – một điểm đến hấp dẫn, an toàn.
Tác giả bài viết: Bích Hằng