Dệt thổ cẩm ở Bản Nưa, xã Yên Khê.
Bản Nưa có 146 hộ với 636 khẩu với gần 100% bà con là dân tộc Thái, đây là một trong những bản đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tận dụng thế mạnh về du lịch sinh thái có khe nước tự nhiên Tạ Pó, bản Nưa đã biết khai thác thế mạnh du lịch cộng đồng bằng nhiều cách làm, mô hình hay để thu hút khách tham quan.
Trước hết với mô hình dệt thổ cẩm, 60 chị em phụ nữ tình nguyện tham gia học lớp nâng cao tay nghề, vừa phát huy được ngành nghề truyền thống, vừa kiếm thêm thu nhập. Sản phẩm các chị làm ra như khăn piêu đội đầu, khăn quàng cổ, thắt lưng, váy, áo, túi, khăn trải bàn…vừa để cho du khách tham quan mua sắm khi đến với bà con thôn bản vừa giúp tạo thêm thu nhập cho hơn 60 hộ gia đình, giúp họ thoát nghèo bền vững.
Để giữ chân du khách đến và ở lại với Bản Nưa, bà con trong bản đã biết đầu tư sửa sang lại nhà cửa, xây dựng các công trình phụ, để đón du khách về ăn nghỉ tại nhà sàn. Ở đây vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp khe nước Tạ Pó, thưởng thức các tiết mục văn nghệ từ câu lạc bộ dân ca Thái cùng các món ẩm thực đắc sắc của địa phương như Lạp cá, Xôi nếp…nên du khách vô cùng thích thú.
Đến với Bản Nưa hôm nay thấy bản làng phong quang sạch đẹp, đường được bê tông hóa, thêm nhiều nếp nhà sàn mái ngói đỏ tươi, an ninh trật tự được đảm bảo, các tệ nạn xã hội không còn…Để phát huy những tiềm năng về mô hình du lịch cộng đồng, hiện nay huyện Con Cuông phát triển thêm các bản như: Bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Yên Thành (xã Lục Dạ), bản Xiềng (xã Môn Sơn)... làm du lịch cộng đồng.
Tác giả bài viết: Phùng Văn Mùi