Du lịch

Nơi du khách không được chào đón

“Khách du lịch biến về nhà đi” hay “Du khách – kẻ khủng bố” là những thông điệp xuất hiện gần đây trên đảo Majorca của Tây Ban Nha.

Mùa hè đang đến, trước nỗi lo về khủng bố, du khách có xu hướng tránh xa Tunisia, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tìm đến những đất nước an toàn hơn như Tây Ban Nha, Italy hay Bồ Đào Nha.

Trong đó, Tây Ban Nha là điểm đến ưa thích thứ 3 trên thế giới, đón 65 triệu du khách vào năm 2014, chỉ sau Pháp (83,7 triệu) và Mỹ (74,8 triệu). Tuy nhiên con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng vào những năm tới đây.

Riêng Barcelona, năm 2013, thành phố đón 7,5 triệu khách trong khi người dân địa phương chỉ vào khoảng 1,6 triệu. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về việc nó sẽ trở thành “Venice thứ hai”, khi mà sự phát triển của ngành du lịch trở thành lý do buộc người dân địa phương phải chuyển đi nơi khác. Ngoài ra, cư dân trên bãi biển Barcelona cũng tỏ thái độ và lên tiếng về việc du khách say rượu, gây mất trật tự công cộng.

"Du khách về nhà đi. Người tị nạn được chào đón” xuất hiện trên bức tường ở Palma, đảo Majorca hôm 23/5. Ảnh: Reuters.


Theo Reuters, lượng du khách đến các đảo Balearic của Tây Ban Nha, trong đó có Majorca đã tăng gần 50% chỉ trong một tháng vừa qua. Những bức graffiti vô danh trên các bức tường của đảo Majorca là sự phản ứng dữ dội từ người dân địa phương gửi đến khách du lịch. Các thông điệp: hãy về nhà đi, hay khách du lịch là kẻ khủng bố, nhằm chỉ ra tình trạng đáng lo ngại của cư dân khi du khách đang phá vỡ cuộc sống thường ngày của họ và đặt các nguồn tài nguyên vào tình trạng căng thẳng.

Thông điệp “Du khách là kẻ khủng bố” trên đảo Majorca. Ảnh: Reuters.


Tại Palma, đảo Majorca, nơi các bức graffiti đang len lỏi khắp thành phố, người dân địa phương giờ tránh đến khu vực trung tâm do lo ngại về lượng lớn du khách kéo đến, vào khoảng 22.000 người mỗi ngày.

Cư dân cũng hàng ngày phải cạnh tranh với khách du lịch về chỗ đậu xe quý giá. “Nguồn lực chúng ta có là hữu hạn”, Gaspar Alomar, một nhân viên bán lẻ ở Palma nói với Reuters. “Nếu toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch thì chúng ta rồi sẽ chẳng còn lại gì nếu như xu hướng đó thay đổi. Về lâu dài, điều này không bền vững. Chưa kể việc gia tăng số lượng du khách quá lớn đang làm tổn hại nặng nề đến cuộc sống của người dân địa phương”.

Hiện các đảo Balearic đề nghị chính phủ áp thuế với du khách bắt đầu từ tháng 7 tới, với số tiền 2 euro cho du khách nghỉ lại qua đêm.

Trên thực tế, Tây Ban Nha đang được hưởng lợi từ du lịch, khi ngành này đóng góp 12% cho nền kinh tế và tạo việc làm cho 16% lực lượng lao động.

Tác giả bài viết: Hải Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP