Trong nước

Nội đô 2 triệu người/km2, ngoại thành giảm đột ngột khiến vùng vành đai ùn tắc Chia sẻ

“Biểu đồ phát triển đô thị với Hà Nội, TPHCM hiện gần như hình chữ L, trong lõi trung tâm đô thị thậm chí mật độ dân số lên tới 2 triệu người/km2, ra đến vùng ngoài thì giảm đột ngột. Mức chênh lệch lớn giữa 2 khu vực dẫn tới việc vùng vành đai xảy ra ùn tắc” – lãnh đạo Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng phân tích.

TPHCM - Bình Dương, 60km luôn đi mất 2 tiếng vì đường tắc

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng (giữa) và lãnh đạo các vụ, cục chủ trì họp báo


Chiều 23/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp báo thường kỳ. Trao đổi tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, liên quan đến vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị, hiện nay đang quan tâm lớn đến việc phát triển đô thị bền vững. Để hạn chế ách tắc giao thông tại thành phố lớn cần hạn chế gia tăng dân số nội đô trong khi hạ tầng giao thông chưa được cải thiện.

Vấn đề này có nhiều giải pháp, thứ nhất là phát triển đô thị vệ tinh để hút dân số ra ngoài vùng lõi đô thị, thứ hai là di dời công trình công cộng như trường học, bệnh viện để giảm tập trung dân số, thứ 3 là hạn chế gia tăng đô thị, đặc biệt là chung cư cao tầng để tương xứng với hạ tầng xung quanh, giữ quy mô dân số ở mức độ nhất định.

Trả lời thêm các câu hỏi về việc chung cư, cao ốc chen chân trong nội đô dẫn đến cảnh ùn tắc giao thông khó gỡ tại Hà Nội, TPHCM, lãnh đạo Cục Phát triển đô thị xác nhận, ùn tắc giao thông đang xảy ra tại 2 thành phố lớn nhất cả nước và bắt đầu manh nha tại Đà Nẵng, Hải Phòng, là rào cản rất lớn, tạo ra điểm nghẽn trong phát triển.

“Từ TPHCM tới Bình Dương chỉ 60km nhưng di chuyển thường mất 2 tiếng. Việc này làm tăng chi phí logistics, gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế. Bộ Xây dựng đang rà soát để đến cuối năm báo cáo Thủ tướng điều chỉnh tổng thể các giải pháp” – đại diện Cục Phát triển đô thị trao đổi.

Theo lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, biểu đồ phát triển đô thị với Hà Nội, TPHCM hiện gần như hình chữ L, trong lõi trung tâm đô thị thậm chí mật độ dân số lên tới 2 triệu người/km2, ra đến vùng ngoài thì giảm đột ngột. Mức chênh lệch lớn giữa 2 khu vực dẫn tới việc vùng vành đai xảy ra ùn tắc.

Vấn đề này đang giải quyết một cách hệ thống bằng việc lập quy hoạch đô thị, cân đối giữa các hạng mục đầu tư chiến lược, cân bằng giao thông để giảm thiểu tình trạng chênh lệch dân số giữa “vòng trong” và “vòng ngoài” đô thị.

“Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh quản lý việc phát triển các dự án nhà ở trong đô thị để tránh gây thêm áp lực ùn tắc, hạn chế tối đa đô thị, đầu tư hạ tầng khung, tăng mật độ vùng ngoại vi để giảm gia tăng con lắc trong đô thị, giảm dòng di chuyển ở các đô thị lớn” – lãnh đạo Cục phát triển đô thị trình bày.

Chủ tịch 3 tỉnh có đặc khu chịu trách nhiệm việc loạn giá đất

Đối với vấn đề biến động giá bất động sản (BĐS), Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tình trạng nhà đất tăng giá mạnh đã xuất hiện tại một số khu vực, đặc biệt tại các địa phương đang đề xuất phát triển thành khu vực hành chính, kinh tế đặc biệt gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, đây là vấn đề nhạy cảm, cần phải kiểm soát kỹ.

Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương nắm bắt và báo cáo tình hình. Tại cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo nhà nước về xây dựng các đặc khu, Thủ tướng cũng có chỉ đạo, giao 3 địa phương có giải pháp kiên quyết và có hệu lực, ngăn chặn các hoạt động mua bán đất đai trái phép đẩy giá lên cao. Thủ tướng nhấn mạnh, Chủ tịch UBND 3 tỉnh này phải chịu trách nhiệm nếu để mất kiểm soát thị trường bất động sản tại các đặc khu tương lai.

“Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để chấn chỉnh, hướng đến bình ổn thị trường BĐS tại các khu vực này” - Thứ trưởng Lê Quang Hùng bày tỏ.

Về nghi ngại với những dấu hiệu “bong bóng” đang được cảnh báo, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động cho rằng, để đánh giá thị trường phải rà soát, xem xét nhiều tiêu chí khác nhau, từ số lượng giao dịch, biến động giá từng phân khúc, mức đầu tư, thành phần tham gia thị trường...

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, thị trường bất động sản thường diễn biến theo chu kỳ, suy thoái rồi đến khôi phục, phát triển nóng rồi lại suy thoái.

“Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện đề án đánh giá thị trường BĐS, trong đó có dự báo diễn biến thị trường và đề xuất giải pháp. Đề án này sẽ báo cáo Chính phủ trong quý 2 hoặc đầu quý 3/2018”, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, những tháng đầu năm 2018, thị trường BĐS cả nước vẫn duy trì mức độ phát triển ổn định. Thị trường bất động sản tháng 4/2018 có biến động nhẹ, lượng giao dịch giảm so với tháng 3/2018, giá cả ít biến động so với tháng liền kề.

Qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư và sàn giao dịch BĐS cho thấy, tại Hà Nội, tháng 4/2018 có khoảng 1.250 giao dịch thành công, giảm khoảng 3,8% so với tháng 3/2018; tính chung 4 tháng đầu năm 2018 có 5.250 giao dịch thành công. Tại TPHCM trong tháng 4/2018 có khoảng 1.450 giao dịch thành công, giảm khoảng 6,5% so với tháng 3/2018; 4 tháng đầu năm 2018 có 6.000 giao dịch thành công.

Bên cạnh đó, các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm tiếp tục được triển khai. Trong đó, chương trình nhà ở cho người có công đã hoàn thành hỗ trợ cho hơn 121.000 hộ, đang hỗ trợ cho 6.720 hộ, dự kiến quý 2/2018 sẽ hoàn thành hỗ trợ khoảng 100.000 hộ. Đối với chương trình nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị, cả nước đã hoàn thành 186 dự án với quy mô khoảng 75.700 căn, dự kiến quý 2/2018 sẽ hoàn thành thêm 1.000 căn. Khó khăn lớn nhất hiện nay với phát triển nhà ở xã hội là nguồn vốn ưu đãi. Giai đoạn 2016-2020 dự kiến kế hoạch vốn ưu đãi cho chương trình nhà ở xã hội khoảng 19 nghìn tỷ, đến nay mới bố trí được 1.200 tỷ đồng nhưng nguồn vốn này chưa được giải ngân.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP