Du lịch

Những ngày đầu mùa du lịch lễ hội: Bớt dần hình ảnh phản cảm, nạn “chặt chém”

Chùa Hương đã chính thức khai hội từ mùng 6 âm lịch và kéo dài cho tới cuối tháng 3 âm lịch, lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh) từng bị cho là quá phản cảm cũng đã diễn ra. Hôm qua (14.2) diễn ra lễ Tịch điền ở Nam Định… Điểm qua một số lễ hội lớn có thể thấy, đầu mùa lễ hội, hình ảnh phản cảm, “chặt chém” khách du lịch giảm đáng kể...

Lễ hội Chùa Hương: Dẹp nạn cò mồi, chèo kéo du khách

Theo thông tin từ Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội), chỉ tính riêng trong 6 ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, lượng khách thập phương về trẩy hội Chùa Hương đạt trên 20 vạn người, cao nhất từ trước tới nay.

Bà Nguyễn Thị Hướng (57 tuổi, Thái Bình) - du khách có mặt trên chuyến đò xuất bến lúc 1 giờ sáng - chia sẻ với PV báo Lao động lúc 4 giờ 30’ sáng tại động Hương Tích: “Đoàn tôi xuất phát từ đêm qua, đến bến đò lúc 1 giờ sáng. Qua báo chí, tôi biết năm nay lượng khách đến hội sẽ rất đông nên quyết định đi sớm để tránh được cảnh đợi chờ, chen chúc”.

Giống như bà Hướng, chị Minh (31 tuổi, Hưng Yên) cũng chọn đi thật sớm, xuất bến Đục từ lúc 2 giờ sáng để hy vọng “né” được những cảnh phiền toái vì đông đúc. Chị cho biết: “Thấy bảo vì đông quá, có người còn không vào được đến động, phải bái vọng từ ngoài, nên vợ chồng tôi chọn đi lúc sáng sớm nhưng không ngờ cũng vẫn đông thế này. Đến với hội chùa, chúng tôi chẳng dám cầu cúng nhiều, chỉ mong sức khỏe”.

Theo ghi nhận của PV báo Lao Động, lễ hội Chùa Hương năm nay diễn ra khá nghiêm túc. Cảnh chèo kéo đi đò, nạn chặt chém, ăn mặc phản cảm… giảm đáng kể. Theo thông tin từ Công an Hà Nội, nhằm giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho du khách, Đội Chống tội phạm trên tuyến, địa bàn trọng điểm (Đội 5) Phòng CSHS Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với CSGT và Công an các quận, huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Hà Đông, Thanh Xuân tổ chức cắm chốt dọc tuyến đường về chùa Hương để phát hiện tội phạm hình sự và những đối tượng có hành vi “cò mồi”, lôi kéo khách đi đò, gửi đồ, mua vé, ăn nghỉ... Qua điều tra và đóng giả làm khách thập phương dự lễ hội, cơ quan chức năng đã xử lý 16 đối tượng chuyên “cò mồi”, lập biên bản xử lý.

Lễ hội chém lợn Ném Thượng: Hai “ông ỉn” được chém kín

Vài năm trở lại đây, hội chém lợn ở giữa sân đình làng Ném Thượng (Phường Khắc Niệm, TP.Bắc Ninh) tạo cảm giác rùng rợn cho nhiều người. Hai “ông ỉn” nhanh chóng bị chém đứt đôi trong sự hò reo của đám đông chứng kiến. Kết thúc lễ chém lợn, dân làng và du khách thập phương thường cầm những tờ tiền lẻ chấm vào máu lợn rồi mang về đặt lên ban thờ, cầu cho một năm may mắn và sung túc. Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) đã lên tiếng về lễ hội này...

Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), sáng mùng 6 Tết vừa qua đã giảm bớt hình ảnh bạo lực so với mọi năm.

Sau nhiều lần họp, thống nhất với các cấp chính quyền, Ban tổ chức lễ hội đã quyết định vẫn chém lợn để duy trì lễ hội như mọi năm, nhưng năm nay sẽ không chém lợn giữa sân đình mà thay vào đó là chém ở góc sân, được căng bạt che kín không để người dân chứng kiến.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Thức, Ban tổ chức lễ hội cho biết: “Sau nhiều lần họp bàn, mãi đến hơn 10h đêm mồng 5 (12.2), chúng tôi mới đi đến quyết định vẫn sẽ “trảm” hai “ông ỉn” như thường lệ. Trong quá trình họp bàn, nhiều người dân trong làng đều muốn giữ lại truyền thống lễ hội của làng nên chúng tôi vẫn quyết định thực hiện nghi lễ chém lợn. Tất cả các nghi thức lễ hội vẫn được thực hiện. Tuy nhiên, thay vì chém lợn ở sân đình như mọi năm thì năm nay cử hành bên trong che bạt kín”.

Ông Vũ Hiệu - thành viên Ban tổ chức lễ hội làng Ném Thượng, cho rằng, chém kín là làm theo chủ trương của đơn vị quản lý. “Mặc dù một vài người dân vẫn lăm lăm quét tiền vào tiết lợn lấy may, nhưng theo tôi, lễ hội diễn ra thế là thành công” - ông Hiệu nói. Bà Lành (người dân làng Ném Thượng) thì lại tỏ ra khá buồn vì không được chứng kiến cảnh chém lợn... Mặc dù chưa nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của người dân làng Ném Thượng, nhưng quyết định của BTC lễ hội đã góp phần xóa bỏ “chất” bạo lực của lễ hội này.

Lễ hội và tâm lý đám đông: Vẫn còn cảnh du lịch, hành hương ép xác

Toàn cảnh đám đông ngủ vất vưởng ngoài trời, hay dưới mái hiên trong giá lạnh ở Đà Lạt, hay du khách phải ngủ ở công viên Vũng Tàu… cho thấy điệp khúc năm cũ lặp lại. Lý do, lượt người đến những điểm nóng đầu xuân này quá đông, gây nên tình trạng quá tải, mà không có kế hoạch đặt phòng từ trước. Tuy nhiên, có điều lạ là dù biết đi du lịch đầu năm là “giơ đầu” chịu “chém”, khi các khách sạn tăng giá đến 400% mà vẫn không đủ chỗ chứa, thì nhiều người vẫn hành xác theo kiểu như vậy.

Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ mang đậm bản sắc văn hóa làng nghề. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đặc biệt, các điểm du lịch lễ hội tâm linh luôn đông đúc từ ngày mùng 1 cho đến hết mùa lễ hội. Đó là Chùa Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, chùa Hang, lăng Ngọc Thoại Hầu, núi Sam (Châu Đốc), Quán Âm Phật Đài (Bạc Liêu), Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ), Núi Bà Đen (Tây Ninh)… Như mọi năm, các con đường dẫn lên núi Bà Đen kẹt cứng, các đoàn xe dài dằng dặc phải nhích từng tí một. Tâm lý đám đông thể hiện ở thái độ cầu xin thật nhiều quan lộc, may mắn cho bản thân gia chủ, nhưng lại bất chấp việc có hại cho người khác, sẵn sàng chen lấn, dẫm đạp, lạng lách.

Tại một số khu du lịch mới mở và điểm vui chơi mới khai trương, lượng du khách đổ về rất đông, trong đó có khu du lịch Fansipan. Từ ngày 6.2, tại đây khai trương dịch vụ cáp treo, khách du lịch có thể lên thẳng đỉnh Fansipan huyền thoại chỉ sau vài chục phút thay vì vài ngày băng rừng, trèo núi như trước kia.

Theo thông tin từ công ty vận hành cáp treo Fansipan Sapa, cao điểm có khoảng 6000 lượt khách lên đỉnh Fansipan mỗi ngày và ít nhiều gây ra tình trạng quá tải ở đây. Do lượng du khách đông, đã có hiện tượng chen chúc, xô đẩy để “chạm” được vào đỉnh Fansipan. Nhiều người lo ngại nếu không quản lý tốt thì chỉ trong thời gian tới Fansipan sẽ… ngập rác.

Tuy nhiên công ty vận hành cáp treo Fansipan Sapa cho biết đã bố trí nhân viên căng sức để phục vụ khách du lịch, mang lại trải nghiệm hoàn hảo nhất cho du khách. Công ty đã thực hiện phân luồng để khách xếp hàng rất trật tự, bố trí người tiếp đón và hướng dẫn tại ga đi và ga đến… đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh để đỉnh Fansipan dù khách đông nhưng vẫn đảm bảo sạch sẽ…

Còn tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), cáp treo không đáp ứng nhu cầu do khách hành hương quá đông. Ngày 14.2, ông Nguyễn Duy Vỵ - Trưởng BQL Khu du lịch Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) - cho biết, mùa lễ hội năm 2016 này, chùa Hương Tích khai hội từ ngày 13.2 (mồng 6 tháng giêng âm lịch). Riêng trong ngày khai hội, mặc dù thời tiết nắng nóng 33 độ C, nhưng đã có 16 ngàn du khách thập phương về hành hương.

Trong ngày 14.2, thời tiết nắng gay gắt hơn, nên lượng khách đã giảm xuống còn hơn 10 ngàn người. Tính từ mồng 1 tết Bính Thân đến nay đã có 46 ngàn lượt người về hành hương tại địa điểm tâm linh này. Cũng theo ông Vỵ, để đảm bảo an ninh trật tự khi du khách về hành hương, Công an huyện Can Lộc thành lập một tổ chuyên trách gồm 14 chiến sỹ túc trực 24/24h suốt mùa lễ hội.

Để giám sát tốt hơn, BQL đã cho lắp 10 camera giám sát trên khu vực chùa, 3 camera giám sát ở cổng vào. Vấn đề y tế, BQL hợp đồng 2 bác sĩ và 1 y tá phục vụ suốt mùa lễ hội. Ngay trên chùa, bố trí phòng y tế để sơ cứu ban đầu. Ông Vỵ cũng thừa nhận, tình trạng cáp treo chưa đáp ứng được nhu cầu khi lượng khách về hành hương quá đông, nên vẫn còn tình trạng phải chờ đợi lâu ở khu vực cáp treo để lên núi.

Tác giả bài viết: Nguyễn Long - Dương Hoà - M.Thi - Trần Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP