Không ai có thể biết chính xác nghề làm đèn lồng ở Hội An xuất hiện thời gian nào. Chỉ có những phỏng đoán rằng người ta bắt đầu sản xuất đèn lồng từ cách đây khoảng 400 năm, khi những người Minh Hương đầu tiên từ Triều Châu (Phúc Kiến, Quảng Đông) đến vùng đất này, và treo đèn lồng trước nhà như một sự hoài vọng về quê cha đất tổ. Từ những chiếc đèn đầu lân, đầu rồng trong các lễ hội của một người Hoa có tên Xã Đường, nghề làm lồng đèn tại Hội An được khai sinh. Sau này ông được tôn vinh làm ông tổ của nghề làm lồng đèn ở thành phố di sản UNESCO này, được thờ cúng trong các gia đình làm lồng đèn cho tới ngày nay.
Có một cảm giác rất lạ khi đêm đang chậm rãi lướt những ngón tay trên những mái ngói lô xô. Nghe đâu đây trong gió, rõ ràng là một giai điệu mượt mà của những ngón tay lướt trên phím đàn. Trăng treo trên đầu, bóng người in trên phố như những nốt nhạc trầm. Những chiếc đèn lồng ở khắp nơi, trên đầu, dưới chân, bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau…. Chính xác là bạn trôi đi trong không gian ánh sáng đa tầng ấy.
Từng đoạn phố cổ đổi màu theo ánh sáng đèn. Vàng, đỏ, trắng, hồng, xanh, tím - ánh sáng hắt lên những dàn bông giấy, vàng anh trên những mái hiên nhà, nhuộm màu cho hoa. Những ánh sáng hoàn toàn khác nhau, không chỉ do màu, mà do những chất liệu khác nhau của vải làm đèn, và hình dáng của đèn. Đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình trụ, hình nón, hình đu đủ, hình bánh ú… đủ cả. Có cả đèn vẽ hình, thư pháp, đèn mây, tre, gỗ…. Nhưng ánh sáng dịu êm nhất, mềm mại nhất, vẫn là thứ ánh sáng toát ra từ đèn vải lụa.
Tôi dừng chân bên bức tường nơi góc phố. Màu vàng đất đặc trưng của Hội An (Quảng Nam) ánh lên trên tường vôi rêu phong. Vài chiếc đèn lồng hình quả bí lửng lơ trên đầu, rọi một thứ ánh sáng huyền ảo xuống chiếc xe đạp ai đó dựng vội. Bức tranh tĩnh vật đêm phố cổ, bình yên đến nao lòng. Đầu con hẻm nhỏ, hiếm hoi một chiếc đèn điện trong hình dáng của đèn lồng, rọi sáng những sợi dây chằng chịt trên cột điện, gợi lên quá nhiều suy nghĩ về thời gian và sự đổi thay.
Tới nơi nào cũng vậy, tôi thích ngắm nhìn mọi thứ từ trên cao. Tin tôi đi, khi đất không còn dưới chân, bạn sẽ có một cảm giác khác hẳn, dù nơi đó có quen thuộc với bạn hay không. “Tầm mắt của những con chim” cho thấy một phố Hội vừa quen vừa lạ.
Hiếm có thành phố nào đẹp cả đêm lẫn ngày như Hội An. Ban ngày, những mảng mái nhà nhấp nhô, cận kề, đa dạng trong hình khối và hài hoà trong màu sắc. Có những tầm nhìn khiến bạn ngỡ ngàng tưởng như đang lạc vào một ngôi làng đầy màu sắc mà vẫn cổ kính của vùng Địa Trung Hải.
Nhưng trong đêm tối, nhất là trong những đêm rằm, và dưới ánh đèn lồng, phố cổ đầy chất Đông phương, bí ẩn với những luồng sáng phát ra từ những mái hiên, những ban công gỗ, khung cửa sổ hay một con hẻm. Có cái gì đó, như sự sống, mới đang nằm trong những xưa cũ dưới kia. Một cái gì đó khêu gợi sự tò mò, ham muốn khám phá, khiến bạn chỉ muốn bay lên hay tan ra để hòa vào nó. Phải, bay trên những mái nhà lô xô, bay trên những ánh đèn lấp lánh mặt song; rồi về đậu trên những bức tường nhuộm màu ánh sáng trong sự biến đổi và chuyển động kỳ ảo phát ra từ những chiếc đèn lồng kia.
Xưa kia, có ai đó từng nói, thắp sáng một chiếc đèn lồng là thắp lên một niềm tin. Tôi lại tin vào câu chuyện về một người mẹ, đêm ngày đều thắp lên chiếc đèn lồng trước cửa, để những người con luôn biết đường về nhà.
Có một cảm giác rất lạ khi đêm đang chậm rãi lướt những ngón tay trên những mái ngói lô xô. Nghe đâu đây trong gió, rõ ràng là một giai điệu mượt mà của những ngón tay lướt trên phím đàn. Trăng treo trên đầu, bóng người in trên phố như những nốt nhạc trầm. Những chiếc đèn lồng ở khắp nơi, trên đầu, dưới chân, bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau…. Chính xác là bạn trôi đi trong không gian ánh sáng đa tầng ấy.
Từng đoạn phố cổ đổi màu theo ánh sáng đèn. Vàng, đỏ, trắng, hồng, xanh, tím - ánh sáng hắt lên những dàn bông giấy, vàng anh trên những mái hiên nhà, nhuộm màu cho hoa. Những ánh sáng hoàn toàn khác nhau, không chỉ do màu, mà do những chất liệu khác nhau của vải làm đèn, và hình dáng của đèn. Đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình trụ, hình nón, hình đu đủ, hình bánh ú… đủ cả. Có cả đèn vẽ hình, thư pháp, đèn mây, tre, gỗ…. Nhưng ánh sáng dịu êm nhất, mềm mại nhất, vẫn là thứ ánh sáng toát ra từ đèn vải lụa.
Tôi dừng chân bên bức tường nơi góc phố. Màu vàng đất đặc trưng của Hội An (Quảng Nam) ánh lên trên tường vôi rêu phong. Vài chiếc đèn lồng hình quả bí lửng lơ trên đầu, rọi một thứ ánh sáng huyền ảo xuống chiếc xe đạp ai đó dựng vội. Bức tranh tĩnh vật đêm phố cổ, bình yên đến nao lòng. Đầu con hẻm nhỏ, hiếm hoi một chiếc đèn điện trong hình dáng của đèn lồng, rọi sáng những sợi dây chằng chịt trên cột điện, gợi lên quá nhiều suy nghĩ về thời gian và sự đổi thay.
Tới nơi nào cũng vậy, tôi thích ngắm nhìn mọi thứ từ trên cao. Tin tôi đi, khi đất không còn dưới chân, bạn sẽ có một cảm giác khác hẳn, dù nơi đó có quen thuộc với bạn hay không. “Tầm mắt của những con chim” cho thấy một phố Hội vừa quen vừa lạ.
Hiếm có thành phố nào đẹp cả đêm lẫn ngày như Hội An. Ban ngày, những mảng mái nhà nhấp nhô, cận kề, đa dạng trong hình khối và hài hoà trong màu sắc. Có những tầm nhìn khiến bạn ngỡ ngàng tưởng như đang lạc vào một ngôi làng đầy màu sắc mà vẫn cổ kính của vùng Địa Trung Hải.
Nhưng trong đêm tối, nhất là trong những đêm rằm, và dưới ánh đèn lồng, phố cổ đầy chất Đông phương, bí ẩn với những luồng sáng phát ra từ những mái hiên, những ban công gỗ, khung cửa sổ hay một con hẻm. Có cái gì đó, như sự sống, mới đang nằm trong những xưa cũ dưới kia. Một cái gì đó khêu gợi sự tò mò, ham muốn khám phá, khiến bạn chỉ muốn bay lên hay tan ra để hòa vào nó. Phải, bay trên những mái nhà lô xô, bay trên những ánh đèn lấp lánh mặt song; rồi về đậu trên những bức tường nhuộm màu ánh sáng trong sự biến đổi và chuyển động kỳ ảo phát ra từ những chiếc đèn lồng kia.
Xưa kia, có ai đó từng nói, thắp sáng một chiếc đèn lồng là thắp lên một niềm tin. Tôi lại tin vào câu chuyện về một người mẹ, đêm ngày đều thắp lên chiếc đèn lồng trước cửa, để những người con luôn biết đường về nhà.
Tác giả bài viết: Trần Thùy Linh